Nỗi đau còn mãi
Ngôi nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở Tổ 6 phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp khá khang trang. Ngôi nhà này là thành quả của sự chắt chiu, tích cóp từ hai bàn tay trắng của vợ chồng chị Hương và chồng là anh Vũ Văn Nam. Ngôi nhà ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ còn bởi sự đầm ấm, hạnh phúc với ba đứa con ngoan, học giỏi. Nhưng nay, ngôi nhà hạnh phúc ấy trở nên lạnh lẽo bởi trụ cột gia đình là anh Nam bị tử nạn trong quá trình làm việc tại Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình vào cuối năm 2018.
Dù chị Hương có cố nén nỗi đau, "gồng" mình để trở thành chỗ dựa duy nhất cho các con, song sự thiếu vắng tình cảm của người bố vẫn luôn hiện hữu trong ánh mắt buồn của những đứa con. "Anh Nam mất đi đồng nghĩa với gia đình tôi mất đi trụ cột kinh tế của cả gia đình, cuộc sống của gia đình thêm khó khăn vì cả ba cháu đang tuổi ăn học, trong đó cháu lớn đang học Đại học. Những thiếu thốn về vật chất thì mẹ con tôi có thể khắc phục, cố gắng vượt qua được. Nhưng sự trống trải khi thiếu đi người chồng, người cha thì đó là khoảng trống không dễ gì bù đắp được"- chị Hương buồn bã nói.
Còn chị Nguyễn Thị Thúy Tình, quê ở xã Gia Phú, huyện Gia Viễn mặc dù may mắn thoát chết, song với cơ thể bị khuyết một cánh tay phải sau một tai nạn lao động nghiêm trọng thì cuộc sống của chị Tình trở nên khó khăn. Mặc dù được gia đình, hàng xóm, công ty động viên, chia sẻ, nhưng những khó khăn mà chị Tình phải đối mặt khi bỗng nhiên trở thành người khuyết tật vẫn làm cho chị thấy nản lòng. Nhìn đứa con bé bỏng mới hơn 1 tuổi, chơi tha thẩn quanh nhà, chị Tình không ngăn được dòng nước mắt. "Con tôi còn nhỏ lắm. Cháu lớn được 3 tuổi, cháu bé hơn 1 tuổi, rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ.
Thời gian đầu sau tai nạn, mọi sự chăm sóc cho con nhỏ tôi phải nhờ vào gia đình hai bên. Không thể mãi ngập chìm trong nỗi tiếc nuối những ngày khỏe mạnh, tôi bắt đầu tập thích nghi với cuộc sống của một người khuyết tật và tự mình chăm sóc các con, tạo điều kiện để chồng tôi đi làm để trang trải cuộc sống cho cả gia đình"- chị Tình cho biết. Chồng chị Tình là anh Nguyễn Văn Hòa- công nhân Công ty cổ phần gạch ngói Gia Thanh và cũng từng là một nạn nhân trong vụ tai nạn lao động thảm khốc năm 2017.
Bị cháy nửa người sau khi bị tai nạn điện giật, anh Hòa may mắn giữ được tính mạng nhưng sức khỏe giảm sút nhiều. Sau khi bình phục, anh được công ty tạo điều kiện làm việc nhẹ, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trước đây, ngoài giờ làm ở công ty, chị Tình quán xuyến mọi việc trong gia đình để anh Hòa được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Nhưng giờ, gánh nặng của cả gia đình lại được đặt lên vai người đàn ông cũng từng bị tai nạn lao động ấy.
Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 59 vụ tai nạn lao động làm 62 người bị nạn. Trong đó, có 3 vụ tai nạn chết người, làm 4 người chết, 2 người bị thương nặng; làm thiệt hại về tài sản là 1,8 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh có 23 người mắc bệnh nghề nghiệp đang hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội... Những thiệt hại đó đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho chính người lao động, gia đình và xã hội; làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; ảnh hưởng đến nỗ lực chung trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Tăng cường thanh tra các doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn
Ông Vũ Đức Mạnh, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Qua phân tích các vụ tai nạn lao động cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở sản xuất kinh doanh còn chưa có sự đầu tư đồng bộ các thiết bị, bảo hộ lao động và thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn của người lao động cũng còn hạn chế. Nhưng dù là vì nguyên nhân nào thì những thiệt hại đều thuộc về các bên liên quan, nhất là người lao động. Đã đến lúc, công tác đảm bảo an toàn trong lao động cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa, trong đó chú trọng công tác thanh, kiểm tra những đơn vị sử dụng lao động có nguy cơ mất an toàn cao.
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động đã được thực hiện với sự phối hợp tích cực giữa các ngành chức năng. Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan được đẩy mạnh, qua đó nâng cao hiệu quả kiểm tra, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các đơn vị. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý đối với những vị trí sản xuất không đảm bảo an toàn tại các đơn vị.
Ngay trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay, Ban chỉ đạo Tháng hành động cũng tập trung kiểm tra 10 doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Mục đích là sau các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổng hợp, đánh giá, khái quát vấn đề để chấn chỉnh, nhắc nhở chung cho các cơ sở, đơn vị có cùng đặc điểm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề. Các đoàn thanh, kiểm tra cũng sẽ yêu cầu các đơn vị thực hiện các kiến nghị để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, tư vấn, Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, gây hậu quả tới sức khỏe người lao động.
Nguyễn Hùng