Thêm vào đó, dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành Lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng; giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động của chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh ta đang phải khắc phục nhiều vấn đề, nhất là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất rừng trồng bình quân của tỉnh đạt thấp (dưới 30 m3/ha); thu nhập từ nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng; còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, chế biến dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp; cuộc sống của người làm nghề rừng còn nhiều khó khăn... Đây là nút thắt lớn nhất dẫn đến người dân chưa thực sự mặn mà trong việc phát triển kinh tế từ nghề rừng.
Để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 26 - 12 - 2015 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 đã xác định: Ngành Lâm nghiệp đi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển mạnh sản xuất từ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo hài hòa hai mục đích là tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thực hiện mục tiêu trên, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, ngành Lâm nghiệp tỉnh sẽ tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Những bước đi mang tính đột phá trong thời gian tới đó là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của rừng; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hưởng lợi từ rừng; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác theo Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 24-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chặt phá rừng trái pháp luật; tăng cường năng lực, trang thiết bị cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.
Tiếp tục triển khai Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 27-9-2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng; cơ cấu 3 loại rừng theo hướng điều chỉnh, chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất; định hướng phát triển rừng sản xuất là rừng trồng; lựa chọn tập đoàn cây con chủ lực là lợi thế để đưa vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chí, có thị trường tiêu thụ tốt, có thể sản xuất quy mô lớn với năng suất cao, giá thành hạ hơn so với đối thủ cạnh tranh; tăng cường các hoạt động nông lâm kết hợp, sử dụng có hiệu quả các diện tích đất trống phù hợp để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Mặt khác, cần phải nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng, đặc biệt với rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác, kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu.
Từng bước chuyển từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh, nâng thu nhập bình quân đạt khoảng 30- 35 triệu đồng/ha/năm; đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng đạt 60 - 80% vào năm 2020; đảm bảo cung ứng đủ giống chất lượng, góp phần tăng năng suất rừng trồng vào năm 2020 đạt từ 20% trở lên.
Riêng rừng tự nhiên, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng để nâng cao chất lượng…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho dân; khuyến khích doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, hợp tác liên kết trong sản xuất; nghiên cứu chọn tạo giống tốt, tăng cường công tác quản lý giống, phổ biến kỹ thuật thâm canh rừng trồng.
Thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế dưới tán rừng như mô hình trồng sa nhân, cây ba kích, thảo quả, xạ đen..., xây dựng được một chuỗi khép kín từ cung cấp nguồn cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm theo hình thức doanh nghiệp đầu tư, hoặc chuyển giao công nghệ để người dân tự xây dựng; qua đó, giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm làm giàu từ rừng.
Kỷ niệm 43 năm ngày truyền thống lực lượng Kiểm lâm (21-5-1973-21-5-2016) năm nay có thể coi là điểm mốc mở đầu cho việc thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng.
Nguyễn Văn Dương(Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh)