Thành phố Ninh Bình là vùng đất chứa đựng trong đó rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Trải qua các thời kỳ phát triển, Ninh Bình luôn mang dáng dấp của một đô thị với những công trình kiến trúc đến nay vẫn còn tồn tại là: thành Ninh Bình, cầu Lim, phố Nhà thờ, chợ Rồng… Năm 2004, thị xã Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính, gồm 8 phường và 6 xã; năm 2005 được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Ngày 7-2-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19-NĐ/CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh Ninh Bình. Khi nâng cấp lên thành phố, thành phố Ninh Bình có 11 phường và 3 xã. Kể từ đó đến nay, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí đô thị trung tâm của tỉnh. 10 năm qua, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã vận dụng và cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, tạo nên những bước đột phá trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, với chủ trương tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, mặt bằng, thành phố đã tập trung vào việc thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Do đó, số doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tăng nhanh: Năm 2007 có 415 doanh nghiệp và 8.529 hộ sản xuất, đến năm 2016 trên địa bàn thành phố đã có 1.050 doanh nghiệp và 10.480 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân trong 10 năm đạt 14,23%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng định hướng: công nghiệp, xây dựng 65,75%; dịch vụ, thương mại 33,44%; nông nghiệp 0,81%. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, năm 2016 ước đạt 726 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 40,38 triệu đồng (năm 2007 là 11,5 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, văn hóa- xã hội có nhiều đổi mới. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… của thành phố luôn dẫn đầu trong tỉnh. Từ năm 2012 thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vững chắc, giữ vững chuẩn phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập THCS, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được duy trì với chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94,8%, 82,2% tổ dân phố, thôn văn hóa, 91,3% cơ quan, đơn vị văn hóa. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, toàn thành phố còn 464 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,37%, có 5/14 xã, phường không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt gần 40%...
Cùng với những chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế, lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị được thành phố tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Nổi bật và có ý nghĩa trọng đại nhất là thành phố đã hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại II sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII. Không chỉ có nhiều đổi thay về kiến trúc cảnh quan đô thị, xanh-sạch- đẹp hơn, thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2030, định hướng 2050. Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dần được hoàn thiện làm cơ sở để thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và nâng cấp đô thị. Nhiều khu đô thị mới đã dần được hình thành trên địa bàn thành phố như: Khu đô thị chùa Trẻ, khu đô thị Cánh Võ (phường Đông Thành), khu đô thị Quảng trường 1 và 2 (phường Ninh Khánh), khu đô thị Phúc Sơn (xã Ninh Tiến).
Những năm qua, một số công trình dự án lớn được triển khai trên địa bàn thành phố đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố trẻ, hiện đại như: Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 700 giường, Trung tâm Hội nghị tỉnh, hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch… ý thức về một nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa của người dân đã góp phần quan trọng để thành phố xây dựng, duy trì được nhiều tuyến đường, phường văn minh đô thị… Những năm qua, Ninh Bình cũng là thành phố ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị vững mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp có sự chuyển biến rõ nét.
Tròn 10 năm xây dựng và phát triển, trên vai trò, cương vị là thành phố trung tâm của tỉnh, thành phố Ninh Bình đã có bước chuyển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đô thị, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố. Trong Quy hoạch chung đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, xác định thành phố Ninh Bình sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để thực hiện tốt quy hoạch phát triển thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị- kinh tế-văn hóa- xã hội của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định còn nhiều việc phải làm. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Quan tâm đầu tư hơn nữa đối với văn hóa- xã hội, phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững và phát huy sự đoàn kết, nhất trí, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bùi Diệu