Yên Mỹ vốn là cái nôi của phong trào cách mạng, là nơi Chi bộ Đảng thứ hai của tỉnh Ninh Bình được thành lập nên phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh mẽ. Trong khí thế sục sôi của những ngày khởi nghĩa, chiều ngày 20-8-1945 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các đoàn thể cứu quốc, tự vệ chiến đấu quần chúng nhân dân xã Yên Mỹ tay cầm gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hòa cùng đoàn quân cách mạng của các địa phương khác kéo về Quảng Phúc (trung tâm huyện lỵ Yên Mô bấy giờ) tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong những năm tháng sục sôi đó, người thanh niên yêu nước Tạ Xuân Biền được giác ngộ cách mạng tham gia Hội Thanh niên cứu quốc rồi theo sự phân công của cách mạng, cụ đã tham gia nhiều công tác khác nhau từ dẫn đầu đoàn thanh niên hỏa tuyến đi phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ rồi Chủ nhiệm HTX, Chủ tịch UBND xã, tham gia công tác Mặt trận, Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học... dù ở cương vị nào, cụ cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Câu chuyện của cụ Tạ Xuân Biền, 81 tuổi đời, gần 60 tuổi Đảng dường như sống động hơn khi nhắc đến sự đổi thay trên quê hương, người dân Yên Mỹ tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nên luôn nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, xứng đáng với truyền thống hào hùng các thế hệ cha, anh.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Yên Mỹ đã giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Dịch, Phó Bí thư Đảng ủy xã, thành tựu lớn nhất của Yên Mỹ trong thời gian qua là đã từng bước hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng để tạo đà cho kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, các hội đoàn thể như: Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… đã làm tốt công tác nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền trên 21 tỷ đồng tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt cho bà con nông dân.
Nhờ đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, xã đã có bước "đột phá" trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, tiến hành thâm canh 3 vụ: Vụ đông xuân, vụ mùa và vụ đông, đưa giá trị canh tác trên 1 ha đạt 109 triệu đồng. Đến nay, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 3.707 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 710 kg/người/năm.
Từ đó đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và tạo điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, toàn xã có 9 trang trại, trên 40 gia trại với nhiều con nuôi có giá trị kinh tế cao như: lợn siêu nạc, chim trĩ, bồ câu, nhím...
Yên Mỹ còn có nhiều chính sách khuyến khích phát huy nghề truyền thống, nhân rộng các ngành mới đi đôi với phát triển dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với kinh doanh, buôn bán nhỏ, chế biến nông sản, các nghề móc hộp, đan bèo bồng, thêu ren, nghề mộc, nghề xây đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng rõ nét với các công trình trường học, trạm y tế, Đài Tổ quốc ghi công... được xây dựng khang trang. Đến nay, trường Mầm non, trường Tiểu học, trường THCS, Trạm y tế xã đã đạt chuẩn Quốc gia, 83,5% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 9/15 làng đạt danh hiệu làng văn hóa. Phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng; công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng được quan tâm chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 9,46%.
Nối tiếp truyền thống Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến và những thành quả trong công cuộc đổi mới hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Yên Mỹ đang chung tay đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng.
Bài, ảnh: Quốc Khang