Những ngày nắng nóng vừa qua, gia đình chị Lê Thanh Phương ở phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đã phải sử dụng thiết bị điều hòa liên tục. Chị Phương cho biết: Nhà có con nhỏ nên việc tiết kiệm điện trở nên khó thực hiện vì trẻ thường hiếu động, hay chạy nhảy hoặc khi ngủ nếu không có điều hòa thì trẻ khó chịu, quấy khóc. Do đó điều hòa nhà chị gần như chạy thường xuyên. Qua vài năm sử dụng thiết bị điều hòa làm mát, gia đình chị đã rút ra được một số kinh nghiệm để tiết kiệm điện năng như: Chọn công suất thiết bị phù hợp với diện tích phòng, cài đặt nhiệt độ phù hợp... Cách đây 3 năm, gia đình chị lắp đặt một máy điều hòa có công suất 9.000 BTU/giờ vào phòng có diện tích 20 m2. Do diện tích phòng khá lớn cùng với công suất máy nhỏ nên điều hòa không đủ làm mát trong những ngày nắng gay gắt. Hơn nữa máy điều hòa phải hoạt động liên tục không ngừng nên rất tốn điện. Cả gia đình chị dùng 1 máy điều hòa nhưng hóa đơn tiền điện những tháng cao lên đến từ 1-1,2 triệu đồng. Qua tìm hiểu và tư vấn của người bạn làm trong lĩnh vực lắp đặt thiết bị làm mát, năm 2016 gia đình chị đã đổi sang thiết bị điều hòa công suất 12.000 TBU/giờ và chuyển máy cũ sang phòng nhỏ, có diện tích phù hợp với công suất. Từ ngày lắp đặt máy có công suất phù hợp với diện tích phòng, gia đình chị tiết kiệm khá nhiều tiền điện, hiện mỗi tháng hóa đơn chỉ dao động từ 500-600 nghìn đồng. Hơn nữa hiệu quả sử dụng rất tốt, phòng mát, máy điều hòa có thời gian nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Linh, huyện Nho Quan lại có cách tiết kiệm điện năng riêng khi sử dụng điều hòa như: Để tiết kiệm điện, gia đình chị lắp điều hòa có công suất thấp hơn (9.000 BTU/giờ) vào phòng nhỏ để cả gia đình sử dụng chung trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, gia đình chị còn để điều hòa nhiệt độ ở chế độ vừa phải, không để quá sâu, kèm theo quạt bật nhẹ, vừa đỡ tốn điện vừa đảm bảo sức khỏe cho con trẻ và người già. Khi thời tiết mát hơn và có gió trời thì tắt thiết bị điều hòa, đồng thời mở tất cả các cửa để thông khí trong phòng. Với cách làm như vậy, chị Linh đã tiết kiệm được từ 20-30% tiền điện so với những tháng đầu tiên sử dụng điều hòa.
Ông Đinh Văn Bách, phòng Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Vào mùa nắng nóng, chiếc điều hòa được coi là vật "cứu cánh" cho nhiều gia đình, nhất là ở khu vực thành thị và các cơ quan, công sở. Nhưng điều hòa nhiệt độ là một trong những thiết bị tiêu thụ điện lớn nhất trong gia đình. Vào mùa nắng nóng máy điều hòa nhiệt độ có thể tiêu thụ tới 30% điện năng. Chính vì vậy việc sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ và tiền điện phải chi trả hàng tháng. Để tiết kiệm điện và sử dụng hiệu quả thiết bị điều hòa làm mát, có nhiều cách khác nhau kể từ khi chọn thiết bị, lắp đặt cho đến khi sử dụng. Khi chọn, người dân nên chọn thiết bị điều hòa mới của các hãng sản xuất đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, không nên mua lại điều hòa cũ. Mỗi hãng sản xuất có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, người dân nên quan tâm đến dòng điều hòa biến tần (inverter) vì có khả năng tiết kiệm 5% điện tiêu thụ và đảm bảo duy trì nhiệt độ trong phòng điều hòa ổn định. Về công suất, người mua cần lưu ý chọn loại có công suất tương thích với phòng, nếu phòng to thì dùng máy có công suất lớn và phòng nhỏ thì dùng máy có công suất thấp hơn theo khuyến cáo. Cụ thể: Diện tích phòng từ 10-15m2 sử dụng máy điều hòa có công suất 9.000 BTU/giờ; diện tích từ 15-20m2 sử dụng máy 12.000 BTU/giờ; 20-30 m2 sử dụng máy 18.000 BTU/giờ; trên 30m2 sử dụng máy 24.000 BTU. Đã có nhiều trường hợp phòng to nhưng sử dụng máy có công suất thấp, không tương thích, dẫn đến phòng không đủ mát mà máy phải chạy liên tục, làm hao tổn điện năng, máy nhanh hỏng và hiệu quả sử dụng không cao.
Khi lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Với máy điều hòa 2 cục thì khoảng cách giữa 2 cục không quá 15mét; đường ống lạnh được bảo ôn đúng kỹ thuật và bằng vật liệu tốt; nhà có nhiều máy điều hòa cần bố trí các cục nóng hợp lý, không để các cục nóng quá gần nhau hoặc thổi gió nóng vào nhau....Khi sử dụng, cài đặt nhiệt độ tùy thuộc vào nhiệt độ bên ngoài: Nhiệt độ bên ngoài từ 30 độ c đến trên 35 độ c sẽ cài đặt nhiệt độ tương ứng từ 26-29 độ c. Theo tính toán cứ tăng 1 độ c nhiệt độ cài đặt sẽ giúp tiết kiệm 3% điện năng tiêu thụ. Người dùng chỉ nên sử dụng chế độ làm mát nhanh hoặc chế độ quạt mạnh nhất trong khoảng 3 phút đầu tiên sau khi bật điều hòa. Sau đó chuyển về chế độ bình thường với tốc độ quạt vừa phải. Nên bật chế độ điều chỉnh gió đa hướng hoặc có thể sử dụng kết hợp với quạt để tăng khả năng luân chuyển không khí trong phòng điều hòa. Không nên sử dụng quạt thông gió có công suất lớn hơn 25W và hạn chế sử dụng các thiết bị sinh nhiệt trong phòng sử dụng điều hòa. Ngoài ra, tắt thiết bị điều hòa khi không cần thiết, tránh để máy chạy quá lâu làm giảm tuổi thọ. Chú ý vệ sinh các tấm lọc bụi thường xuyên và các giàn trao đổi nhiệt ít nhất 2 lần/năm và bảo dưỡng máy ít nhất 1 lần/năm để máy điều hòa chạy tốt nhất.
Hồng Giang