Tại những địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, người nông dân tự nguyện hiến một phần đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, hình thành những thửa ruộng, cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Trên cơ sở dồn điền đổi thửa, toàn tỉnh triển khai xây dựng 86 cánh đồng lớn với diện tích gần 4.500 ha.
Mặc dù đã thực hiện dồn điền đổi thửa và quy hoạch cánh đồng lớn nhưng thực chất sản xuất hàng hóa, sản xuất quy mô lớn chưa nhiều bởi vì cánh đồng lớn nhưng sự sở hữu và cách thức sản xuất còn rất manh mún. Ví dụ một cánh đồng rộng 100 ha thì có 600-700 hộ dân sở hữu, từng hộ tự do sản xuất theo ý mình.
Với cách thức này chỉ phù hợp cho sản xuất đảm bảo an ninh lương thực ở giai đoạn trước đây chứ chưa thể nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta trong nhiều năm qua luôn ổn định, có tăng trưởng nhưng chậm và thấp.
Để sản xuất nông nghiệp có sự bứt phá và bắt nhịp được với xu thế phát triển, giữ vững được vai trò quan trọng trong nền kinh tế thì tích tụ, tập trung đất đai đang là một trong những giải pháp quan trọng. Xác định được điều đó, tỉnh ta đã và đang tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Với các hình thức tích tụ: một số doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa bằng cách thuê lại ruộng của nông dân, trả theo mức độ thu nhập bình quân của người dân trên diện tích đất đó, theo từng chân đất, từng vùng sinh thái; đặt hàng các HTX sản xuất các sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp; các hộ nông dân chủ động tích tụ ruộng đất bằng hình thức liên kết hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp.
Theo đánh giá sơ bộ, doanh nghiệp thuê lại đất của dân để đầu tư sản xuất là hình thức cho hiệu quả cao và hiện đang phát triển khá phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Với cách thức này doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất theo mục đích kinh doanh. Người dân được đảm bảo thu nhập, đồng thời giải quyết vấn đề lao động nông thôn sau khi cho thuê đất.
Nhiều doanh nghiệp đã thuê đất sản xuất với tổng diện tích ước trên 200 ha, bao gồm: Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình thuê 68 ha; Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình thuê 22 ha; Công ty Cổ phần Việt Xanh thuê 27 ha; Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng giao thuê 30 ha; Doanh nghiệp Phủ Thuận Thiên thuê 43 ha...Các doanh nghiệp thuê đất chủ yếu đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, cây dược liệu, khoai tây, khoai sọ, đậu tương rau xuất khẩu, nuôi tôm công nghệ cao, rau các loại....
Cách thức cho doanh nghiệp thuê đất có khả năng tiếp tục mở rộng diện tích vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu thuê lại đất của dân dài hạn để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đánh giá một cách thực tế thì diện tích được tích tụ còn ít và để tích tụ được ruộng đất cho các tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với khó khăn tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa thì việc đảm bảo quỹ đất sản xuất lúa phục vụ mục tiêu an ninh lương thực cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 2 lúa để nâng cao thu nhập còn nhiều vấn đề cần phải có cơ chế chính sách phù hợp.
Theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiêp & PTNT: Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, nhà nước và tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, không thuộc diện quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo an ninh lương thực sang nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong quy hoạch sử dụng đất cần quy hoạch lại các vùng chuyên canh trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa. Quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của từng địa phương để đảm bảo hài hòa về lao động trong nông nghiệp với lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục dồn điền đổi thửa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng... theo đúng quy định của pháp luật để có quỹ đất lớn cho doanh nghiệp, các HTX chuyên ngành, tổ hợp tác thuê lại hoặc làm đại diện để tổ chức sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ một cách đồng bộ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Hồng Giang