Hàng năm, thị trấn đều duy trì nhịp độ phát triển kinh tế khá, ổn định. Từ năm 2007 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt trên 18%. Trong cơ cấu, nông nghiệp chiếm 20,6%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 33,2%, dịch vụ 46,2%. Hằng năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 14 tỷ đồng; dịch vụ đạt trên 31 tỷ đồng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt trên 22 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, các công trình như nhà văn hóa, sân chơi thể thao ở các khu phố được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chất lượng giáo dục toàn diện của các bậc học ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất trường học khang trang. Thị trấn có 1 trường mầm non, hiện thu hút trên 210 cháu học bán trú tại trường; 1 trường tiểu học với 13 lớp, trên 350 học sinh; 1 trường THCS với 16 lớp, 635 học sinh.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng, quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của thị trấn là 6%, dưới mức bình quân chung của huyện. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện tại thị trấn có 13 km đường giao thông được nhựa và đổ bê tông; 2,4 km kênh mương thủy lợi đã được kiên cố hóa; có 1 nhà máy nước đảm bảo cấp nước cho 100% dân nội thị.
Hệ thống chiếu sáng đô thị, điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt được đầu tư xây dựng, đảm bảo vận hành tốt, cung cấp đủ cho 100% hộ dân sử dụng và các cơ quan đóng trên địa bàn. Hệ thống thông tin bưu điện đảm bảo phục vụ nhu cầu liên lạc của nhân dân, trung bình có 1 máy/hộ. Các công trình phúc lợi công cộng, giáo dục, y tế được xây dựng kiên cố. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị của nhân dân được nâng cao.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, nhưng tổng diện tích của thị trấn Yên Ninh chỉ có trên 277 ha, quá nhỏ so với các xã khác trong huyện. Mặt khác, địa giới hành chính của thị trấn với các xã giáp ranh thường đan xen, phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp trong việc quản lý hành chính và điều hành của chính quyền cơ sở.
Nhằm khắc phục những bất hợp lý trên, phát huy ưu thế, tạo thuận lợi phát triển cho thị trấn, các xã liên quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện, nhất là đặt trong tiến trình phát triển của đất nước, của tỉnh, huyện hiện nay thì việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng không gian đô thị của thị trấn Yên Ninh là cần thiết. Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Yên Ninh phù hợp với các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, đảm bảo cơ sở khoa học, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, quản lý hành chính lãnh thổ theo quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh đến năm 2020.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII đã nhất trí thông qua đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Yên Ninh. Theo đó, thị trấn được mở rộng trên cơ sở sát nhập nguyên trạng xã Khánh Ninh vào thị trấn Yên Ninh quản lý. Sau khi điều chỉnh, thị trấn sẽ có diện tích tự nhiên là 811,58 ha, dân số là 13.872 người, phía Đông Bắc giáp xã Khánh Hải, Khánh Hội; phía Đông Nam giáp xã Khánh Nhạc, Khánh Hồng; phía Tây giáp xã Yên Từ, Yên Phong (Yên Mô); phía Tây Bắc giáp xã Khánh Vân.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Khánh, chúng tôi được biết: Việc mở rộng thị trấn Yên Ninh có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành, phát triển của huyện Yên Khánh, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân trong quá trình xây dựng thị trấn và yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trấn và các xã liên quan có cơ hội thu hút đầu tư, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao đời sống nhân dân. Tâm lý chung của nhân dân trong huyện đều đồng thuận, phấn khởi với việc mở rộng thị trấn Yên Ninh. Tuy nhiên, cái khó đang đặt ra trong lộ trình mở rộng thị trấn là làm thế nào để bố trí hợp lý, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành, phù hợp quyền, lợi ích của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khi hợp nhất bộ máy lãnh đạo từ 2 đơn vị thị trấn Yên Ninh và xã Khánh Ninh; đồng thời huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, khu hành chính, các công trình phúc lợi công cộng, hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị... vì nguồn kinh phí đầu tư hạn chế.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, thị trấn Yên Ninh sẽ sớm được mở rộng, tạo diện mạo mới văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là trung tâm của huyện Yên Khánh.
Hoàng Tâm