Sông Vân là con sông nằm bên 2 quốc lộ chính của thành phố Ninh Bình, đó là quốc lộ 1A nối từ thành phố Tam Điệp tới cầu Lim và quốc lộ 10 nối từ cầu Lim tới chợ Rồng. Đây cũng đều là những tuyến đường và những công trình gắn với lịch sử hình thành thành phố này.
Theo lịch sử ghi lại, đoạn mang tên sông Vân có chiều dài trên 7 km, chỗ rộng nhất tới 300 m. Từ sông Vân có thể kết nối thông thủy với các sông khác là sông Sào Khê, sông Chanh, sông Hệ - sông Ngô Đồng.
Theo ông bà tôi vẫn kể lại, sông Vân là một dòng sông có giá trị lịch sử, nơi gắn liền với các chiến công của Việt Nam trong kháng chiến chống quân nhà Tống dưới thời vua Lê Đại Hành.
Tương truyền, khi Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống trở về Hoa Lư, Dương Vân Nga đã kê giường bên bờ sông đón và giao hoan với nhà vua, lập tức có gió thổi mây ngũ sắc thành tán bay đến trên trời soi xuống dòng sông, che chở hai người. Từ đó mà sông có tên là Vân Sàng (giường mây). Ngày nay ở hạ lưu, hai bên bờ sông là hai con đường mang tên Lê Đại Hành và Dương Vân Nga, gần đó có đền Đồng Bến là nơi ghi dấu những truyền thuyết về thiên tình sử này.
Sông Vân đẹp là vậy nhưng qua thời gian, với sự "lãng quên" và ý thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, rác thải sinh hoạt, cuộc sống mưu sinh, thói quen… đã khiến con sông thơ mộng ngày nào "nhuốm màu" ô nhiễm môi trường. Hai bên bờ sông, rác thải, cỏ cây mọc um tùm… khiến hình dạng ban đầu của con sông như bị thay đổi…
Tôi không nhớ rõ mốc thời gian cụ thể, chỉ biết Dự án nạo vét, kè và quy hoạch công viên cây xanh tây sông Vân từ năm 1994 thì phải do UBND tỉnh ban hành quyết đinh đã không chỉ đáp ứng mong mỏi của chính quyền và nhân dân thị xã Ninh Bình lúc đó, mà còn là ý nguyện của nhân dân toàn tỉnh về xây dựng thị xã khang trang, sạch đẹp.
Những năm tôi cắp sách đến trường, bao lần đi qua con sông Vân, tôi đều thấy sự chuyển mình hối hả của dòng sông khi các hộ thuộc diện giải tỏa 2 bờ sông nhận tiền đền bù, chấp hành nghiêm chủ trương, tự tháo dỡ nhà cửa chuyển đến khu tái định cư, nhường lại mặt bằng để các đơn vị thi công nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng.
Kể từ ngày dự án kè 2 bên bờ sông hoàn thiện, người dân phố tôi có cơ hội được dạo bộ, tập thể dục, rủ nhau vui chơi, hóng mát dọc 2 bên bờ sông. Thành phố Ninh Bình nơi tôi ở cũng vì thế mà được tô điểm, có thêm điểm nhấn trong quá trình phát triển đô thị.
Năm 2018 thành phố Ninh Bình đã triển khai dự án xây dựng cầu dân sinh qua sông Vân. Công trình cầu xây dựng bắc qua sông Vân có chiều dài 56 mét, trung bình chiều dài của đường dẫn lên cầu của 2 phía đường Nguyễn Huệ (phường Nam Bình) và đường 30/6 (phường Nam Thành) là 210 mét. Công trình đưa vào sử dụng không chỉ tạo thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân khu vực xung quanh 2 bờ sông Vân, mà còn góp phần tô điểm thêm cho đô thị Ninh Bình nét duyên dáng, mềm mại, có thể ví như dải lụa vắt ngang đôi bờ sông Vân…
Trải qua 30 năm song hành cùng sự phát triển của tỉnh Ninh Bình kể từ ngày tái lập 1/4/1992, dòng sông Vân đã có nhiều đổi thay. Sông Vân quê tôi giờ mang vẻ đẹp hiện đại, vẻ đẹp của một công trình mang đậm nét của một đô thị trẻ đang vươn mình, bắt nhịp cùng sự phát triển của các đô thị trong cả nước.
Phan Thu Trang
(Tác phẩm tham dự cuộc thi viết, sáng tác nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh)