Nếu thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra, nhiều gia đình ở Cúc Phương một năm thu từ 5-7 tấn ngô và hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi dê, hươu, nhím, ong, lợn cắp nách, gà đồi.
Thế nhưng, nếu không may bị lũ quét, hạn hán kéo dài, đặc biệt là dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm thì thành quả lao động sản xuất và chăn nuôi của nhiều hộ nông dân sẽ mất trắng, người nông dân lâm vào cảnh túng thiếu, bởi mọi chi phí cho cuộc sống đều trông vào đó.
Được biết, Cúc Phương là một trong những xã của huyện Nho Quan vụ đông xuân vừa qua chịu hạn nặng nhất do không chủ động được nguồn nước tưới, chủ yếu phụ thuộc vào mưa. Vụ đông xuân vừa qua, xã Cúc Phương gieo trồng trên 140 ha ngô và lạc. Trong đó diện tích ngô là 122 ha, lạc 18 ha, gặp đợt nắng nóng kéo dài khiến cho 100% diện tích ngô và lạc của xã bị cháy lá và chết.
Ông Đinh Công Sính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vấn đề đặt ra ở Cúc Phương hiện nay là làm thế nào để khắc phục được tình trạng hạn hán có nguy cơ còn phức tạp hơn trong những vụ tới. Nhiều giải pháp đã được các cấp, các ngành, nhà chuyên môn đưa ra nhưng để ứng dụng được ở Cúc Phương thì còn nhiều vấn đề nan giải. Trước mắt, chính quyền xã cũng như người dân nơi đây rất cần có sự giúp đỡ từ phía nhà nước để cùng chia sẻ những khó khăn với nông dân.
Ông Quách Văn Từ Trưởng Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 315 ngày 1-3-2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013. Tuy nhiên Ninh Bình không nằm trong số những tỉnh được thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn này, nhưng với đặc thù là một huyện miền núi, việc sản xuất nông nghiệp hầu hết phụ thuộc vào thời tiết thì việc được tham gia bảo hiểm nông nghiệp là điều không chỉ chính quyền mà còn là mong muốn của các hộ dân.
Ông Đinh Công Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Chúng tôi cũng đã tự tìm hiểu về bảo hiểm nông nghiệp, đây thực sự là một loại hình bảo hiểm thiết thực đối với nông dân, song chính sách này chưa về đến địa phương nên chúng tôi đành phải chờ đợi. Chính quyền xã cũng như bà con nơi đây ai cũng mong muốn tỉnh sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp để nhân dân các xã thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai vơi bớt khó khăn, yên tâm sản xuất.
Thiết nghĩ, hiện nay, không chỉ người dân xã vùng cao Cúc Phương mà bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết thay đổi bất thường, thiên tai, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, việc sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp đến với bà con nông dân là vấn đề rất cần thiết.
Thảo Nguyên