Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, tỉnh Ninh Bình có 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Trên 16.000 người con Ninh Bình đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sỹ; trên 1.200 bà mẹ được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH); gần 8.000 thương binh, 7.000 bệnh binh, 740 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa…
Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Ninh Bình là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đại tá Lê Đình Cược, Phó Chính ủy, Bộ CHQS tỉnh cho biết, hiện nay, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thành phố đang phụng dưỡng 16 Bà mẹ VNAH. 5 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 46 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, phối hợp khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho gần 10 nghìn đối tượng chính sách, người có công; tuyển dụng 9 con thương, bệnh binh nặng vào công tác trong quân đội đảm bảo đúng quy định…
Đặc biệt, một hoạt động trọng tâm, nổi bật của Bộ CHQS tỉnh trong thời gian qua là những nỗ lực trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Thực hiện Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở, bước đầu đạt hiệu quả theo đúng tiến độ quy định.
Cùng với công tác tập huấn được tổ chức đến tận các cơ sở thì công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, qua đó cung cấp được nhiều thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ tới nhân dân. Nhiều liệt sỹ là con em Ninh Bình đã được quy tập mộ vào các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh. Danh sách liệt sỹ và mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đang dần được hoàn thành, công tác rà soát địa bàn xác định được khu vực có mộ liệt sỹ chưa được quy tập hoặc quy tập chưa hết một cách chính xác nhất cũng đang tiếp tục được triển khai; kịp thời cung cấp thông tin quan trọng cho các thân nhân liệt sỹ, góp phần hỗ trợ họ đi tìm mộ liệt sỹ...
Đối với tuổi trẻ huyện Kim Sơn, những ngày này các ĐVTN cũng triển khai nhiều hoạt động hướng về nguồn. Đồng chí Trần Thị Thu Hương, Bí thư Huyện đoàn Kim Sơn chia sẻ: Tuổi trẻ Kim Sơn cùng khối đoàn thể vinh dự được nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hợp ở xã Kim Tân. Xác định rõ ý nghĩa của việc nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Mẹ VNAH, chúng tôi đã lên kế hoạch, triển khai kịp thời nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc đời sống mọi mặt để các Mẹ được vui tươi, ấm áp hơn trong quãng đời còn lại.
Chúng tôi thường xuyên cử đoàn tới thăm hỏi sức khỏe, điều kiện sinh hoạt của các Mẹ; tặng quà và tiền phụng dưỡng hàng tháng, chúc các mẹ sống vui, sống khỏe, tiếp tục giáo dục lớp trẻ phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương. Kinh phí hoạt động này được trích từ nguồn quỹ đóng góp của tuổi trẻ trong toàn huyện.
Chung tay với các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc, hoạt động nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH là cơ hội quý để tuổi trẻ Kim Sơn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối với những người có công với cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao ý thức của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, huyện Nho Quan có trên 3.600 đối tượng người có công đang được quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên với tổng số tiền trên 76 tỷ đồng/năm. Những món quà, những lời thăm hỏi ân cần, những lời tri ân sâu sắc nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 đã được các cấp, các ngành và mỗi cá nhân, đơn vị trong huyện trao tặng đến các gia đình.
Huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị cũng như đông đảo người dân tham gia công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sỹ; chăm sóc, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sỹ; hỗ trợ về nhà ở; rà soát việc thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng… Cũng từ phong trào này, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhận đỡ đầu, chăm sóc thường xuyên những đối tượng người có công, hỗ trợ, tạo điều kiện học tập và làm việc cho con thương, bệnh binh, con liệt sỹ.
Theo số liệu từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, mỗi năm, huyện huy động được hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách; xây mới nghĩa trang; phụng dưỡng, thăm hỏi các Bà mẹ VNAH trên địa bàn huyện…, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người có công và thân nhân của họ…
Còn nhiều lắm những việc làm thiết thực của cộng đồng dành cho những gia đình chính sách, người có công. Có những hoạt động sôi nổi, có những việc làm âm thầm, lặng lẽ… dù lớn, dù nhỏ giống như một ngọn nến được thắp lên nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đào Hằng