Vụ đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên nông dân rất quan tâm đến khâu chọn giống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo thời gian gieo trồng các vụ tiếp theo. Đa phần bà con tìm mua các giống lúa mới, kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt. Và địa chỉ mà bà con tìm đến thường là các đại lý bán lúa giống chính thức của các công ty giống có tên tuổi, các HTX nông nghiệp.
Từ xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, chị Phạm Thị Len tìm đến tận Đại lý lúa giống cấp I ở huyện Hoa Lư để mua giống lúa mới cho vụ đông xuân. Sau khi tìm hiểu cẩn thận thông tin về các loại giống, những ưu điểm, nhược điểm và khả năng chống chịu sâu bệnh của từng giống lúa, chị Len quyết định chọn giống lúa lai Nhị ưu 838 và một số giống lúa thuần chất lượng của tập đoàn giống Thái Bình và Công ty giống cây trồng Trung ương.
Chị Len chia sẻ: Vụ đông xuân năm ngoái, do không để ý kỹ bao bì, tôi mua nhầm phải giống lúa nhị ưu 838 của một công ty khác chứ không phải loại Nhị ưu 838 có nhãn hiệu con gấu nên năng suất lúa bị giảm đến 1/3. Rút kinh nghiệm năm nay, tôi phải tìm hiểu rất kỹ trước khi mua, làm sao chọn được giống vừa đảm bảo được năng suất, chống chịu sâu bệnh tốt vừa cho chất lượng gạo thương phẩm thơm ngon, có như vậy sau này thu hoạch mới dễ bán, giá cao.
Ông Nguyễn Năng Trí, chủ đại lý lúa giống Năng Trí, ở xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư - đơn vị phân phối cấp 1 cho khá nhiều tập đoàn, công ty giống, cho biết: Năm nay, ngoài một số giống lúa lai có dấu hiệu khan hiếm và tăng giá, nhìn chung nguồn cung lúa giống trên thị trường vẫn khá dồi dào, giá cả ổn định.
Cụ thể: Giống Nhị ưu 838 giá 85 nghìn đồng/1kg (tăng 5 nghìn đồng so với vụ đông xuân năm ngoái); các giống lúa lai khác như: C ưu đa hệ số 1, Hương ưu 98, Thái xuyên 111, VT404, Thục hưng 6 giá đều tăng nhẹ khoảng 5%. Về giống lúa thuần: TBR 225 là 35 nghìn đồng/1kg, Thiên ưu 8 là 32 nghìn đồng/1kg, Nếp 97 là 22 nghìn đồng/1kg, Bắc Thơm là 21 nghìn đồng/1kg.
Theo đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương tại Ninh Bình: Công ty đã chủ động nguồn hàng từ khá sớm, đồng thời cố gắng ổn định giá bán, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được với các nguồn giống chất lượng. Hiện nay, đơn vị đã chuyển gần 100 tấn lúa giống đến các đại lý, HTX để sẵn sàng cung ứng cho bà con.
Ngoài các giống chủ đạo như: Thiên ưu 8, LT2, Bắc Thơm 7, Khang dân đột biến, năm nay Công ty phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục sản xuất thử một số giống lúa mới có triển vọng như: TBR279.
Vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng khoảng 48.700 ha cây trồng các loại, trong đó lúa là 40.363 ha, phấn đấu năng suất đạt 66 tạ/ha. Để bảo đảm mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các HTX xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón cung ứng cho nông dân.
Đồng thời đôn đốc cày ải, làm đất, gieo mạ đảm bảo đúng thời vụ, kỹ thuật. Bà Đinh Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và BVTV cho biết: Chi cục đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019, theo đó sẽ kiểm tra sớm tình hình cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nên mua giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, giữ lại bao bì sau trồng cho đến khi thu hoạch.
Được biết năm 2018, Chi cục đã kiểm tra 88 cơ sở kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn và phát hiện 14 cơ sở vi phạm (chiếm 15,9%) đã xử phạt tổng số tiền trên 57 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là: buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, buôn bán thuốc BVTV, giống lúa sai nhãn mác, không đảm bảo chất lượng.
Hà Phương