Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, vụ mùa năm 2008, toàn tỉnh sẽ gieo cấy 38.000 ha lúa, trong đó: mùa sớm cấy 41% diện tích, mùa trung 49%, mùa muộn 10%; cơ cấu giống: 45-50% là lúa lai, 35-40% là lúa thuần, còn lại là giống đặc sản. Với cơ cấu đó thì toàn tỉnh sẽ cần khoảng 600 tấn giống lúa lai, gần 1.000 tấn giống lúa thuần.
Những ngày cuối tháng 5, quanh thị trường bán giống lúa trên địa bàn tỉnh được thấy, các cửa hàng, đại lý bán lẻ giống lúa đã tấp nập người mua; một số cửa hàng của các đơn vị cung ứng lớn có uy tín (Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang) rất đông người đến mua giống. Đó cũng là nguyên nhân vì sao giống lúa lai trong mấy ngày gần đây đã tăng lên từ 1.000-5.000 đồng/kg. Ví dụ: Giá giống Bắc ưu 903 thường bán 47.000 đồng/kg, nhưng nay có chỗ, có nơi đã bán 52.000 đồng/kg. Qua khảo sát, tùy vào điều kiện của từng địa phương sẽ sử dụng các loại giống lúa hợp lý, nhưng đa phần vẫn ưa dùng giống lúa lai Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Thục Hưng… Một số nơi đã bắt đầu chú ý tới giống lúa lai mới Phú ưu số 1 với năng suất cao, chống chịu được bệnh bạc lá, có thời gian sinh trưởng ngắn… do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cung ứng.
Đồng chí Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Theo kế hoạch, Công ty dự kiến sẽ cung ứng khoảng từ 200-250 tấn giống lúa lai các loại. Đến thời điểm hiện nay Công ty đã nhập về 70 tấn Thục Hưng số 6, 35 tấn Q1, 20 tấn Nhị ưu 838, 10 tấn Phú ưu 4, 20 tấn Bắc ưu 903. Ngoài ra, Công ty cũng đã đưa về 100 tấn giống lúa thuần (chủ yếu là KD 18) từ các tỉnh miền Trung. Như vậy, 90% giống lúa phục vụ cho vụ mùa đã được Công ty đưa về. Lượng giống trên hầu hết đã được cung ứng đến các đơn vị. HTX nông nghiệp đã ký kết hợp đồng lấy giống tại Công ty (70% lượng giống đã đưa về) và người nông dân qua mạng lưới cửa hàng bán lẻ (30% lượng giống đã đưa về). Về giá bán ra hiện nay Công ty vẫn giữ ổn định. Nếu so với cùng thời điểm năm trước, thì giá giống lúa các loại đã tăng lên từ 15-20%.
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH VTNN Hồng Quang cũng cho biết: Công ty đã nhập về trên 100 tấn giống lúa thuần (gồm: KD 18, Hương thơm, Nếp, Q5, LT2…) từ các tỉnh miền Trung. Các giống lúa lai được nhập từ tỉnh Tứ Xuyên, Hải Nam (Trung Quốc) và đã đưa về gần 150 tấn giống lúa lai các loại gồm: Phú ưu số 1 và Phú ưu 978 với số lượng 120 tấn, còn lại là các giống: Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, L.ưu 69… Số giống trên được đưa về các HTX nông nghiệp, một phần dùng bán lẻ. Giá bán khá ổn định, không có tình trạng thiếu giống, không đủ giống. Công ty sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực, tìm kiếm nguồn hàng… đưa giống về thị trường tỉnh với mục tiêu phấn đấu cung ứng giống cho vụ mùa chiếm tới 50% thị phần.
Nguồn lúa giống đáp ứng đủ cho sản xuất vụ mùa. Ảnh: Đức Lam
Cũng theo ông Quang, giá giống lúa vụ mùa tăng hơn so với vụ trước, nhất là giống lúa lai, nhưng nếu so với giá thóc thịt thì giá giống lúa hiện nay là hợp lý và người nông dân có thể chấp nhận được. Vụ mùa năm trước, giá 1 kg giống lúa lai tương đương với 10 kg thóc thịt, nhưng hiện nay 10 kg thóc thịt tương đương với 1,5 kg giống lúa lai.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngoài 2 đơn vị làm nhiệm vụ cung ứng giống lúa cho sản xuất nông nghiệp, còn gần 20 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký với Sở được đưa giống lúa vào thị trường trong tỉnh. Chưa kể một mạng lưới các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ giống nhỏ, lẻ ở trên địa bàn và lượng khá lớn giống lúa thuần được dự trữ trong các hộ nông dân có thể đưa vào sản xuất trong vụ mùa.
Như vậy, lượng giống cần thiết cho sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh không thiếu, chủng loại giống, nhất là giống lúa lai khá phong phú. Các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra đảm bảo chất lượng giống cho vụ sản xuất; đồng thời chống đầu cơ, găm hàng, ép giá… và không để xảy ra tình trạng "sốt ảo" như cơn sốt gạo vừa qua.
Đinh Chúc