Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có trên 2.284 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, có 74 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh với 3.400 đảng viên; có 40 doanh nghiệp có tổ chức đoàn thanh niên với 3.200 đoàn viên. Có 47 đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ cấp huyện và cấp xã, với trên 1.158 đảng viên. Có 223 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh với 54.794 đoàn viên.
Để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động nội dung Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn chủ động phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động và hội nghị đối thoại định kỳ; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của doanh nghiệp như: Chi tiêu nội bộ, văn hóa công sở, quy chế nâng lương, quy chế phối hợp giữa công đoàn với giám đốc doanh nghiệp và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Trong năm, trên địa bàn đã có 161/223 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị Người lao động, đạt 72%, tăng 12,3% so với năm 2016. Hội nghị Người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp đã bám sát Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ, Hướng dẫn số 1499/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thảo luận, chất vấn các nội dung có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể; nội quy, quy chế tại nơi làm việc.
Năm 2017, toàn tỉnh có 139/223 doanh nghiệp (đạt 62%) đã sửa đổi, bổ sung, ký kết mới Thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Đa số nội dung các Thỏa ước lao động tập thể ngắn gọn, tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT, chế độ tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca...
Ở một số doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đề nghị với người sử dụng lao động thành lập nhóm biên soạn Quy chế đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất theo quy định. Định kỳ, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp, trả lời chất vấn và giải đáp kiến nghị của người lao động.
Thông qua đối thoại quyền dân chủ của đoàn viên và người lao động được phát huy; đại diện người lao động có điều kiện hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.
Có thể khẳng định, những năm qua, cấp ủy, người sử dụng lao động và người lao động ngày càng nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Nhiều tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể được thành lập trong các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở một số doanh nghiệp còn có những hạn chế và mang tính hình thức. Việc tổ chức đối thoại với người lao động chưa đúng quy trình, quy định; thỏa ước lao động tập thể sau khi được ký kết chưa được thông báo rộng rãi đến người lao động; một số đơn vị còn vi phạm Bộ luật Lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở để công nhân, viên chức, người lao động nắm bắt, theo dõi và thực hiện; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.
Nguyễn Thơm