Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; những quy định về bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Chính quyền địa phương...
Thảo luận về Điều 4, các đại biểu đều cho rằng, việc quy định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội là hết sức cần thiết khẳng định bản chất của Nhà nước, chế độ ta, có ý kiến đề nghị nên bổ sung thiết chế mang tính hiến định về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.
Một số ý kiến cho rằng quy định về bình đẳng giới tại khoản 1, Điều 27 là chưa đầy đủ, ở góc độ nào đó chưa kế thừa được sự tiến bộ của Hiến pháp năm 1946 bởi khi liệt kê những nội dung công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau thì sẽ thiếu rất nhiều và gây khó khăn trong áp dụng.
Ngoài ra, điều này cũng mang hàm ý trùng với Điều 17, vì vậy kiến nghị nên đưa vào nhóm các điều quy định chung để khẳng định công dân nam, nữ bình đẳng trước pháp luật và có quyền ngang nhau về mọi phương diện. Theo một số đại biểu quy định về quyền con người, quyền công dân tại Điều 15 khẳng định bản chất mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong nhà nước pháp quyền là cơ sở định hướng, hoạch định chính sách pháp luật và thực hiện pháp luật.
Do đó, đề nghị bỏ từ "thừa nhận" trong Khoản 1 vì quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có không phụ thuộc vào sự thừa nhận của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Ngoài ra, tại Khoản quy định 2 quy định giới hạn quyền con người, quyền công dân còn chung chung và chưa rõ ràng, đề nghị cần làm rõ trường hợp giới hạn quyền công dân và cơ quan nào có quyền giới hạn đảm bảo cách hiểu thống nhất và nên quy định "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp do luật định".
Nhiều đại biểu cho rằng, công dân ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động quản lý nhà nước, do đó tại Khoản 2, Điều 29 nên thay cụm từ "tạo điều kiện" bằng cụm từ "đảm bảo" nhằm phát huy hơn nữa quyền của người dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định về quyền giám sát của công dân đối với việc thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời quy định rõ những lĩnh vực mà công dân có quyền biểu quyết trực tiếp.
Theo một số đại biểu việc quy định sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở Điều 45 là chưa đầy đủ vì trong thực tiễn cuộc sống ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ còn ngôn ngữ của người cha, bên cạnh đó trong Hiến pháp cũng không xác định rõ ngôn ngữ mẹ đẻ là gì.
Do vậy kiến nghị nên sửa thành công dân có quyền sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.
Một số ý kiến cho rằng, các quy định về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đối với một số đối tượng tại Khoản 2, Điều 62 chưa đầy đủ, chưa thể hiện được sự tiến bộ xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Do đó, kiến nghị cần bổ sung đủ các đối tượng mà nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người khuyết tật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần bổ sung tiêu đề các điều khoản cho phù hợp với các quy định về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung điều quy định Hiến pháp sửa đổi sẽ thay thế Hiến pháp 1992.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội nghị còn tập trung đóng góp sâu vào các Điều 2, 9, 15, 21, 22, 30, 93, 115, 116, 120…
Quốc Khang