Năm 2019 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành Nông nghiệp do sự xuất hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định… Vượt qua những thách thức đó, nông nghiệp Ninh Bình vẫn duy trì đà tăng trưởng bằng con số tăng trưởng khoảng 2,35%, giá trị sản xuất ước đạt 8,65 nghìn tỷ đồng; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến nay đã có 101/108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tổng diện tích gieo cấy là 73,6 nghìn ha, giảm trên 2 nghìn ha nhưng năng suất lúa lại được mùa, bình quân cả năm đạt 61,02 tạ/ha, cao hơn 0,62 tạ/ha so với năm 2018. Ngoài ra, diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản, nếp tăng 1,5 nghìn ha, đây là giống lúa có giá trị kinh tế cao. Do đó, mặc dù diện tích lúa giảm, sản lượng giảm nhưng giá trị sản xuất lương thực có hạt vẫn vượt kế hoạch và tương đương với năm 2018.
Ngoài ra, diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản, nếp tăng 1,5 nghìn ha. Do đó, mặc dù diện tích lúa giảm, sản lượng giảm nhưng giá trị sản xuất lương thực có hạt vẫn vượt kế hoạch và tương đương với năm 2018. Lĩnh vực thủy sản, tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn với sự phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, cả nước ngọt và mặn lợ.
Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt trên 14,3 nghìn ha, tăng gần 1,18 nghìn ha so với năm 2018. Trong đó, nước ngọt là 10,82 nghìn ha, mặn lợ là 3,5 nghìn ha. Sản lượng đạt gần 54,8 nghìn tấn, tăng 3,5 nghìn tấn so năm 2018. Trong đó, sản lượng nuôi trồng 47,8 nghìn tấn, khai thác 7 nghìn tấn. Giá trị sản xuất đạt 1.602 tỷ đồng, tăng trên 200 tỷ đồng so năm 2018.
Năm 2020, Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tập trung phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với lợi thế vùng. Thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục phát huy hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Khuyến khích, thu hút các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung các giải pháp thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho nông sản; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,3%; giá trị sản xuất 135 triệu đồng/ha canh tác; có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 13 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Gia Viễn đạt huyện nông thôn mới; 95,5% người dân nông thôn được dùng nước sạch và hợp vệ sinh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn ngành để đạt tốc độ tăng trưởng 2,35%; khẳng định hướng đi đúng trong việc phát triển toàn diện, có mũi nhọn, gắn với thị trường của ngành; chủ động khắc phục khó khăn về dịch bệnh, thiên tai…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ: Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng của ngành 3,1% là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự thống nhất cùng hành động. Tiếp tục quan tâm đến hướng phát triển sản xuất cho giá trị cao, sản xuất hàng hóa và phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, quan tâm đến xã khó khăn. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Ghi nhận thành tích đóng góp của các tập thể và cá nhân với ngành Nông nghiệp trong các năm qua, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân. Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2018 cho 2 đơn vị; tặng Bằng khen năm 2018 cho 2 tập thể. UBND tỉnh khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Đinh Chúc - Anh Tuấn