6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản nhưng toàn ngành Nông nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.257,2 tỷ động, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2020.
Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 2.976,3 tỷ đồng, vụ đông xuân thắng lợi toàn diện cả về năng suất, sản lượng và giá cả các loại cây trồng. Về chăn nuôi, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm của chúng ta vẫn tương đối ổn định: đàn lợn ước đạt gần 269 nghìn con (tăng 26,3%), đàn trâu bò giảm nhẹ, ước đạt 12,6 nghìn con, đàn gia cầm gần 6,4 triệu con… giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 1.053,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thủy sản 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh, sản lượng ước đạt gần 30 nghìn tấn.
Về công tác xây dựng NTM: 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay đều đã hoàn thành từ 16 tiêu chí trở lên, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cũng đang triển khai rà soát đánh giá, hoàn thiện theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao do tỉnh ban hành. 6 tháng đầu năm đã có thêm 33 thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, hạn chế, phân tích nguyên nhân; đề xuất giải pháp tháo gỡ, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng trên 2% của cả năm, giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt từ 143 triệu đồng.
Trong đó, tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất. Trước mắt, tổ chức sản xuất có hiệu quả vụ mùa và vụ đông năm 2021. Riêng vụ đông sẽ phải đưa ra định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp, gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại, tránh bị động và nông sản không tiêu thụ được.
Trong chăn nuôi, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngành Thủy sản tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi. Các đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sớm đưa ra những khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời sản xuất những tháng cuối năm.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn