Các đại biểu dự hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh; bí thư ban cán sự đảng, đoàn; đại diện các huyện, thành phố trong tỉnh.
Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 30/9/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đánh giá: Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Ninh Bình đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: Công tác xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo; việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý xây dựng theo quy hoạch được tăng cường. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trong hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị.
Công tác lập quy hoạch đã được các cấp, các ngành quan tâm, tích cực triển khai thực hiện, nhiều quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, như: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An; Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp), đô thị Nho Quan; Quy hoạch phân khu các vực trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình…; các quy hoạch chuyên ngành liên quan và trên 50 quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu dân cư.
Chất lượng các đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị. Công tác quản lý quy hoạch được chú trọng, có sự chuyển biến tích cực trong quản lý cũng như thực hiện quy hoạch.
Các đô thị Ninh Bình và Tam Điệp đã được tập trung xây dựng phát triển đô thị và đạt nhiều kết quả: Thành phố Ninh Bình được công nhận là đô thị loại II vào năm 2014; thị xã Tam Điệp được công nhận là đô thị loại III vào năm 2012 và trở thành thành phố vào năm 2015.
Các thị trấn huyện lỵ cũng được quan tâm, đầu tư phát triển đồng bộ. Các điểm dân cư tập trung dự kiến hình thành các điểm đô thị trong tương lai được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến nay đạt 20,3%.
Việc phát triển đô thị đã gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị đối với khu vực nông thôn, miền núi; đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Tỉnh đã tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh để thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; việc xã hội hóa các dịch vụ công của đô thị được chú trọng. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đã rút ngắn quy trình, giảm thời gian thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện quy hoạch đô thị Ninh Bình trong thời gian qua.
Để tiếp tục thực hiện xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 13-NQ/TU, trong đó ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết thay thế Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2015 theo hướng cập nhật, bổ sung các định hướng, các quy định về xây dựng và phát triển đô thị.
Tiếp tục xác định công tác xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Phát triển đô thị phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; sử dụng hiệu quả quỹ đất, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị cũ với xây dựng mới theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong quản lý, phát triển đô thị.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện các đề án xây dựng đô thị; triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ninh Bình xong trong năm 2018; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch các khu đô thị dự kiến thành lập mới trước năm 2020; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chung đô thị theo tiêu chí mới.
Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị làm động lực để phát triển công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thị vào các khu sản xuất tập trung. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư vào các đô thị.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nguồn nhân lực làm công tác quản lý, phát triển đô thị ở tỉnh, trước mắt tập trung cho đội ngũ trực tiếp làm công tác quản lý, phát triển đô thị hiện có; đồng thời có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý đô thị, quản lý quy hoạch.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) diễn ra từ ngày 5 đến 10/5 tại Hà Nội.
Nhóm PV