Hiện nay công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh ta đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ngay từ đầu năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương chủ động khảo sát lựa chọn nghề để đưa vào dạy nghề và tạo việc làm. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở dạy nghề tổ chức tốt việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn đặc biệt quan tâm tới 31 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới và các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Tính đến hết tháng 8 năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 24 nghề đào tạo, gồm 18 nghề nông nghiệp, 06 nghề phi nông nghiệp, nâng tổng số nghề được phê duyệt trong danh mục nghề đào tạo lên 61 nghề, gồm 26 nghề nông nghiệp và 35 nghề phi nông nghiệp. Các nghề đào tạo thường xuyên được rà soát, cập nhật điều chỉnh để tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề cho lao động nông thôn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã huy động 12 cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956 trên địa bàn tỉnh, trong đó có 7 trung tâm, cơ sở dạy nghề; 1 trường Cao đẳng nghề, 4 Trường trung cấp nghề.
Công tác bồi dưỡng, phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề cũng được chú trọng. Từ đầu năm tới nay, tỉnh đã bổ sung 1 cán bộ chuyên trách quản lý, theo dõi dạy nghề tại phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư, nâng lên 4/8 đơn vị cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi về dạy nghề. Phối hợp Trường cao đẳng nghề LILAMA1 tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học 80 giáo viên và người dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân, lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp, làng nghề tham gia vào công tác truyền nghề cho người lao động, thực hiện chi trả tiền lương đối với giáo viên và người dạy nghề cho lao động nông thôn.
UBND tỉnh cũng đã phân bổ 7 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng)hỗ trợ lao động nông thôn cho các huyện, thành phố, thị xã, các hội đoàn thể cấp tỉnh có cơ sở dạy nghề và cơ sở dạy nghề đặc thù của tỉnh (đơn vị được giao nhiệm vụ day nghề), trong đó hỗ trợ dạy nghề phi nông nghiệp là 6 tỷ đồng, hỗ trợ dạy nghề nông nghiệp là 1 tỷ đồng.
Với những nỗ lực đó, trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 158 lớp dạy nghề cho 5.298 lao động (dạy nghề dài hạn trình độ trung cấp, cao đẳng nghề 1.279 người, dạy nghề ngắn hạn 4.019 người) đạt 31,17% kế hoạch năm. Trong đó, đã hỗ trợ cho 1.466 lao động nông thôn học nghề từ nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh, gồm 318 người học nghề nông nghiệp (chiếm 21,7%) và 1.148 người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 78,3%); Lao động nữ nông thôn học nghề là 990 người (chiếm 67,53%). Một số địa phương làm tốt công tác dạy nghề là huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh… Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo 8 tháng đầu năm đạt 87,92%.
Đào Hằng