Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Chung Phụng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Trần Hữu Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Phan Dũng, Tổng thư ký UNESCO Việt Nam; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL); Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố và các xã nằm trong vùng Di sản; doanh nghiệp Xuân Trường.
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn của 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình, bao gồm 03 khu bảo tồn là Khu di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An -Tam Cốc - Bích Động và khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, trong đó, khu Di sản có diện tích 6.226ha, vùng bảo vệ Di sản (vùng đệm) có diện tích 6.026ha.
Ngày 25 tháng 6 năm 2014, tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của Di sản, ngay sau khi đón nhận danh hiệu Di sản thế giới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong khu Di sản làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch.
Ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị Di sản của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Di sản ngày một chặt chẽ; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư; văn hóa, văn minh du lịch đã được nâng cao; công tác phục vụ, đón tiếp khách du lịch đã cơ bản đi vào nền nếp; công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn được chú trọng, đa dạng về nội dung và hình thức, lấy giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên độc đáo để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của du lịch tại Quần thể danh thắng Tràng An.
Hoạt động hợp tác quốc tế được duy trì thường xuyên, liên tục; nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Danh hiệu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2018, số lượng khách du lịch đến Quần thể danh thắng Tràng An đạt gần 6,2 triệu lượt, tăng gần gấp đôi so với năm 2014, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân...
Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới không chỉ khẳng định chủ trương đúng đắn về bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND qua các nhiệm kỳ, mà còn là công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của các thế hệ người dân Ninh Bình, sự giúp đỡ và quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản đã đạt được trong 5 năm qua là quan trọng, rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Hội nghị được nghe ý kiến tham luận của: Ủy ban UNESCO tại Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa, Hội Di sản Văn hóa; lãnh đạo huyện Hoa Lư...về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản sau 5 năm được vinh danh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Sau 5 năm được vinh danh, Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình với tốc độ tăng trường bình quân 12%/năm; doanh thu du lịch bình quân tăng 25%/năm; góp phần giải quyết công việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương; từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch lớn của cả nước...
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi sơ kết.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại như hiệu quả khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; nhận thức của một số cán bộ và người dân về công tác quản lý, bảo tồn còn hạn chế…
Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới làm tốt những nhiệm vụ sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Di sản.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với Di sản; quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ các quy định của Công ước Di sản Thế giới, Luật Di sản Văn hóa và các quy định của Tỉnh đối với Di sản, nhất là Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An đã được UBND tỉnh ban hành.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng, kinh doanh lưu trú, sử dụng đất đai trong vùng Di sản; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý Di sản; tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học vùng Di sản. Nâng cao chất lượng diễn giải, giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; từng bước xây dựng Trung tâm diễn giải, bảo tàng về Di sản.
Tại hội nghị, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã có quyết định tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam" cho 8 cá nhân của tỉnh Ninh Bình đã có thành tích xuất sắc trong việc Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản Thế giới và trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản.
Đinh Chúc - Minh Đường