Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh. Cùng dự có Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Bí thư Ban cán sự Đảng, đảng đoàn; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đảng ta rất coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Sau 5 năm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã thu được những kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến tích cực trong cả 3 khâu: phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Tuy nhiên so với yêu cầu đề ra, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở tỉnh ta thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đồng chí yêu cầu các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận và thống nhất đánh giá đúng tình hình và kết quả đã đạt được trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó chủ động đề xuất, kiến nghị những biện pháp để thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, giải pháp nêu trong Nghị quyết và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Nghị quyết cho phù hợp với tình hình mới, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này như yêu cầu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra.
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh đã trình bày dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Dự thảo báo cáo nêu rõ: 5 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý và triển khai các biện pháp phòng ngừa, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trước hết là ở các cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năng lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp trong tỉnh và vai trò của các cơ quan tham mưu được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, bám sát cơ sở, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tích cực vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường; đã phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, được nhân dân đồng tình, có tác dụng răn đe và giáo dục. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cả 3 khâu: phòng ngừa, phát hiện và xử lý, đặc biệt là công tác phòng ngừa, đã từng bước ngăn chặn các hành vi tham nhũng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); phân tích những nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.
Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo đã ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời phân tích làm rõ hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên thế giới và của nước ta trong tình hình hiện nay, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, những nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí Trung ương và các ý kiến tham luận tại hội nghị, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tính chất thường xuyên, liên tục. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đề ra chương trình sát thực, phù hợp, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của báo chí, chú trọng biểu dương tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh tiếp tục triển khai đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo Quyết định 137/2009/QĐ-TTg ngày 2-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; nội quy, quy chế trong nội bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời kỷ luật nghiêm minh những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ theo đúng quy định của pháp luật. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tăng cường giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Quỳnh Thu