Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh dự hội nghị. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đối với phạm vi cả nước trong 3 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tập trung chỉ đạo và đã đạt được kết quả bước đầu, tạo cơ sở để nâng cao số lượng và chất lượng dạy nghề nông thôn trong những năm tiếp theo.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thu hút được sự quan tâm, tham gia thực hiện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhiều doanh nghiệp. Đã hình thành được nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả và được triển khai nhân rộng….
Tuy nhiên, hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế như: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai một số nơi còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm từng ngành, vùng, địa phương.
Mạng lưới dạy nghề còn nhiều bất cập, thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề còn thiếu và yếu; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.
Đối với tỉnh Ninh Bình, trong 3 năm qua đã tổ chức 1.289 lớp dạy nghề cho 49.615 người lao động. Tỷ lệ gắn với việc làm và có việc làm mới sau học nghề đạt trên 70%. Đặc biệt là qua 3 năm thực hiện Đề án, nhận thức về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của cả hệ thống chính trị đã có chuyển biến tích cực. Hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên.
Người học nghề được trang bị các kiến thức, kỹ năng về nghề, từ đó áp dụng vào lao động, sản xuất từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, cần chấn chỉnh và khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư yêu cầu tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện Đề án; khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung Quyết định 1956 về một số chính sách cho phù hợp thực tế.
Công tác đào tạo nghề cần phải gắn với sản xuất và việc làm của lao động nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ cấp xã và công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện Đề án. Tăng cường công tác kiểm tra, nhất là đối với các địa phương thực hiện Đề án hiệu quả chưa cao.
Thái Học