Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 1.289 lớp dạy nghề cho 49.615 lao động, trong đó hơn 70% lao động có việc làm sau đào tạo.
Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, thí điểm mô hình giảng dạy, phát triển đổi mới giáo trình, kiểm tra, đánh giá... được thực hiện có hiệu quả.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy được tăng cường với việc tập trung xây dựng Trường trung cấp nghề Nho Quan với nguồn kinh phí 75 tỷ đồng, tập trung triển khai xây dựng 2 trung tâm dạy nghề mới ở Hoa Lư và Gia Viễn; đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm dạy nghề các huyện Kinh Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Thành phố Ninh Bình và Thị xã Tam Điệp với kinh phí trên 5 tỉ đồng/Trung tâm dạy nghề.
Trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy nghề của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được nâng cao… đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thêm thu nhập, cung cấp lao động cho các cơ sở sản xuất, ổn định an ninh xã hội địa phương.
Tuy nhiên, ở một số nơi việc thực hiện đề án vẫn còn những tồn tại như: công tác quản lý chưa thường xuyên, sâu sát; cơ sở vật chất còn thiếu; trình độ giáo viên chưa đồng đều; hiệu quả đào tạo hạn chế…
Trong năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo 16 nghìn lao động nông thôn, đưa tỉ lệ qua đào tạo nghề đạt 36%, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề đạt 80%.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những kết quả mà đề án đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại.
Đồng chí nhấn mạnh, để người nông dân thực sự được thụ hưởng lợi ích từ Đề án 1956, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền về đào tạo nghề trong nhân dân; sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường dạy nghề; nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo nghề; tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo nghề...
Thu Hằng-Phạm Trường