Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 157/2007/QĐ-TTg về chương trình tín dụng đối với HSSV. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Doanh số cho vay đạt 27.049 tỷ đồng; Tổng dư nợ đến nay đạt 26.052 tỷ đồng với 2.012.000 HSSV và số gia đình còn dư nợ là 1.792.000 hộ. Trong đó: đối tượng là hộ nghèo, dư nợ 7.186 tỷ đồng, với 494.000 hộ, chiếm 27,55% tổng số hộ vay vốn; Đối tượng là hộ cận nghèo, dư nợ 9.966 tỷ đồng, với 684.000 hộ, chiếm 38,19% tổng số hộ vay vốn; Đối tượng là hộ gặp khó khăn về tài chính (do thiện tai, tai nạn, bệnh tật, dịch bệnh, hỏa hoạn), dư nợ 8.838 tỷ đồng với 608.000 hộ, chiếm 33,9% tổng số hộ vay vốn; Đối tượng là HSSV diện mồ côi, dư nợ 60,7 tỷ đồng với 5.600 HSSV, chiếm 0,28% tổng số HSSV được vay vốn. Về cơ cấu cho vay theo trình độ dào tạo: đại học chiếm 41%, cao đẳng 27%, trung cấp 21%, học nghề 11%, trong tổng số vốn HSSV vay của chương trình. Về thu nợ đã đạt 1.310 tỷ đồng; trong đó năm 2010 được 949 tỷ đồng, chiếm 81% tổng số nợ đến hạn. Nợ quá hạn 78,7 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ…
Đối với Ninh Bình, theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, thực hiện chương trình này, trong 3 năm qua, doanh số cho vay đạt 563.281 triệu đồng với 39.543 hộ. Đã thu nợ trong 3 năm được 19.585 triệu đồng của 6.737 hộ. Tổng dư nợ đến 31/12/2010 đạt 547.348 triệu đồng với 34.109 hộ của 39.405 HSSV. Dư nợ quá hạn là 533 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ cho HSSV vay. Về phương thức cho vay: Dư nợ cho vay trực tiếp 91 triệu đồng; Dư nợ cho vay ủy thác 547.257 triệu đồng, gồm: Hội nông dân 140.161 triệu đồng, Hội phụ nữ 273.243 triệu đồng, Hội cựu chiến binh 100.777 triệu đồng, Đoàn thanh niên 33.076 triệu đồng.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, các học sinh sinh viên của các tỉnh, thành.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nêu rõ: Chương trình này có ý nghĩa xã hội sâu sắc, hợp với lòng dân. …Đến nay, các Báo cáo đã cho thấy tính khả thi của chương trình với kết quả và hiệu quả khá tốt.
Một số nhiệm vụ trong thời gian tới: Không điều chỉnh đối tượng cho vay, nhưng xem xét đến những hộ gia đình có 2 con trở lên là HSSV đang theo học. Bộ lao động thương binh và xã hội có hướng dẫn cụ thể về các đối tượng khó khăn về tài chính (do thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn), xong trong tháng 5. Mức vay, Bộ tài chính phối hợp với các cơ quan xem xét, đề suất, có thể phân mức vay theo từng vùng; ngoài ra, cũng nên xem xét về lãi suất nhằm giảm bớt áp lực cho nhà nước. Duy trì công tác kiểm tra, giám sát: khả năng trả nợ, đối tượng vay… NHCS XH có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn và cùng với các Bộ, ngành tham mưu chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh Quyết định cho phù hợp, xong trong tháng 5. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau ở cả trong các trường THCS, THPT. UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát lại số vay, đối tượng vay và tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định của Chính phủ.
Tin, ảnh: Đinh Chúc