Tại Ninh Bình, điểm bán hàng Việt đầu tiên được mở tại Siêu thị Đồng Giao đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần định hướng cho người tiêu dùng về hàng Việt. Để tiếp tục đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa từ nguồn vốn xúc tiến thương mại của tỉnh, Sở Công Thương đã triển khai điểm bán hàng Việt ở thành phố Tam Điệp tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hương số nhà 3 đường Hồ Xuân Hương, phường Tây Sơn.
Khu vực này cách khá xa trung tâm thành phố Ninh Bình và Tam Điệp tuy nhiên tập trung khá đông dân cư, có lượng khách thường xuyên, liên tục trước khi trở thành điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam".
Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết, để xây dựng được điểm bán này đơn vị tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu tiêu thụ tại các chợ, khu công nghiệp thuộc địa bàn 7 huyện, thành phố chưa được tổ chức điểm bán hàng Việt, trong đó tập trung khảo sát tại các điểm ở khu vực chợ vùng nông thôn, khu tập trung dân cư, khu công nghiệp và quyết định chọn phường Tây Sơn, Thành phố Tam Điệp để triển khai bởi nơi đây tập trung khá đông lượng công nhân ở các Nhà máy như: nhà máy Giầy Adora, Nhà máy xi măng Tam Điệp, Nông trường Đồng Giao, Thép Kyoei…
Sau khi lựa chọn địa điểm tại hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hương, các cán bộ thực hiện đã bám sát cơ sở tìm hiểu nhu cầu, tiến hành vận động, tập huấn, tư vấn và hỗ trợ chủ hộ đăng ký tham gia xây dựng mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt, đồng thời phối hợp hỗ trợ, xây dựng cơ sở vật chất, triển khai hoạt động của điểm bán hàng, cũng như tuyên truyền mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam".
Sở Công Thương cho biết đây là 1 trong 3 điểm bán hàng Việt được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Ninh Bình đã xây dựng thành công điểm bán hàng Việt cố định tại siêu thị Đồng Giao và hiện xây dựng tiếp điểm thành phố Tam Điệp và điểm bán Gạo tại thành phố Ninh Bình.
Việc xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các địa điểm vùng sâu, xa trung tâm đã giúp Ninh Bình củng cố và mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Qua đó kết nối, nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của địa phương; tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nhận thức về hoạt động triển khai hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đồng thời giúp người tiêu dùng trong khu vực có Điểm bán hàng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý, từ đó góp phần hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ tiêu dùng hàng Việt Nam.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm