Hiện nay, tại các Trung tâm chăm sóc SKSS, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế tư nhân, những "vị khách" ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên (VTN & TN) không phải là hiếm.
Chị Phạm Thị Hiền, y sĩ của Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh Ninh Bình cho biết: Trực tiếp làm công tác KHHGĐ nhiều năm nay, tôi thấy có khá nhiều em gái còn rất trẻ đến đây phá thai. Hầu hết là học sinh, sinh viên các trường đóng trên địa bàn thành phố. Đó là chưa nói tới nhiều em còn đến các cơ sở tư nhân để nạo phá thai cho kín đáo. Khi được các y, bác sỹ tư vấn về những nguy cơ có thể xảy ra khi làm các thủ thuật nạo, hút như vô sinh, biến chứng và nhất là kiến thức về chăm sóc SKSS, tiếp cận các biện pháp tránh thai (BPTT), các em đều rất mơ hồ.
Hiện nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, VTN & TN có điều kiện sống tốt hơn, thể chất phát triển sớm, cùng với điều kiện giao lưu, tiếp xúc với nhiều bạn bè làm các em có tư tưởng "thoáng" hơn. Những quan niệm về tình yêu, hôn nhân cũng có nhiều thay đổi, nhiều em cho rằng yêu là phải hiến dâng, sống hết mình vì tình yêu. Chính vì vậy, tỷ lệ nạo phá thai ở VTN & TN đang ngày một gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Vị thành niên và thanh niên có rất ít kiến thức về SKSS, họ chủ yếu hành động theo cảm tính, vì vậy có thai ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông cũng như các buổi hoạt động ngoại khóa, việc trang bị kiến thức về SKSS cho học sinh vẫn còn quá ít. Trong khi đó ở gia đình, những vấn đề liên quan đến SKSS, những thay đổi về tâm, sinh lý của các em rất ít khi được đề cập đến, ai cũng cho rằng vấn đề tế nhị cần phải giữ kín.
Em Lê Tú Trinh, ở thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) cho biết: Em cũng như các bạn đều trải qua thời kỳ VTN & TN trong sự lo lắng, băn khoăn về những thay đổi tâm, sinh lý của bản thân mà không biết hỏi ai. Những vấn đề về SKSS, về tình dục an toàn hầu như không được biết. Nhiều bạn cùng lứa do thiếu hiểu biết đã có thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tương lai.
Tháng 10-2006, Dự án "Tăng cường năng lực phổ biến phương pháp xúc tiến SKSS dựa vào cộng đồng" được Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh triển khai ở 12 xã của 3 huyện Yên Khánh, Hoa Lư và Gia Viễn. Sau 2 năm đi vào hoạt động, với nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, Dự án đã đáp ứng được nhu cầu về kiến thức và kỹ năng cung cấp dịch vụ SKSS cho các đối tượng là cán bộ trực tiếp làm công tác SKSS tại các trạm y tế và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49). Trong các hoạt động chung của dự án, hoạt động truyền thông SKSS vị thành niên là một trong những hoạt động cơ bản.
Khi đưa chương trình truyền thông SKSS vị thành niên vào nhà trường đã gặp không ít khó khăn, chính quyền xã, nhà trường và các bậc phụ huynh không đồng tình, còn cho là "vẽ đường cho hươu chạy". Đứng trước khó khăn đó, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ trạm y tế, Hội phụ nữ, cán bộ dân số và nhà trường tổ chức nhiều buổi truyền thông cho phụ nữ với nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, bằng các hình ảnh của tạp dề đơn giản, dễ hiểu đã gây ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều người đến nghe. Qua buổi truyền thông đó, Ban quản lý Dự án đã đề cập tới việc đưa các nội dung SKSS cho đối tượng thanh, thiếu niên vào trong trường học, các bậc phụ huynh đồng ý, sau đó kết hợp đưa nội dung SKSS vào một số tiết giảng của nhà trường. Phản ứng sau những tiết học rất tích cực, nhiều em lúc đầu còn xấu hổ, e ngại nhưng với nhiều hình thức hoạt động như tuyên truyền viên đặt ra những câu hỏi và trả lời gợi mở..., dần dần các em đã mạnh dạn hỏi những thắc mắc về cơ thể, những thay đổi về tâm, sinh lý, vấn đề về tình bạn, tình yêu, các BPTT… Điều đó cho thấy, các em đang rất thiếu và rất cần những kiến thức về SKSS.
Tuổi vị VTN & TN là thời kỳ phát triển đặc biệt, là sự lớn lên và trưởng thành của trẻ em để trở thành người lớn, đây là thời kỳ xảy ra hàng loạt những thay đổi trong cơ thể cũng như tâm, sinh lý, vì vậy các em có quyền được tiếp nhận và tìm hiểu những kiến thức về SKSS. Để hoạt động này diễn ra thuận lợi và có ý nghĩa cần phải có sự ủng hộ, tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và toàn xã hội.
Bài, ảnh: Hà Mi