Từ đầu chiến dịch, ta đã nhận định một nhược điểm lớn không thể khắc phục của quân Pháp là tập đoàn cứ điểm nằm giữa hậu phương ta, cách xa các căn cứ, mọi sự tăng viện và tiếp tế đều trông chờ vào đường không. Chỉ cần triệt con đường này quân địch sẽ mất sức chiến đấu. Với việc xây dựng trận địa bao vây thành công, chiến thắng của ta chỉ còn là vấn đề thời gian. Chiến thắng sẽ tới sớm hơn nếu ta nhanh chóng tiêu diệt được những trung tâm đề kháng then chốt. Đến lúc này, "con nhím" Điện Biên Phủ đã nhận một đòn tử thương. Chỉ trong 5 ngày từ 28/3 đến 2/4/1954, quân Pháp đã mất 2.093 người. Phân khu Nam (hay còn gọi là phân khu Hồng Cúm) tuy chưa trực tiếp bị tiến công, nhưng từ hai ngàn quân cũng chỉ còn khoảng 1.600. Quân đồn trú ở phân khu trung tâm bị rút lại còn năm tiểu đoàn dù, không tiểu đoàn nào vượt quá 300 người, hai tiểu đoàn lê dương 600 người, và số còn lại gồm những đơn vị người Thái và Bắc Phi, tổng cộng khoảng 4.300 lính chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngốn những kíp xe tăng, pháo thủ, quan trắc, và vô tuyến điện với nhịp độ không thể tưởng tượng. Đến ngày 6/4, dự trữ đạn dược pháo binh của quân Pháp chỉ còn 418 viên cho loại pháo 155 ly, 616 viên 105 ly và 1.422 viên đạn cối 120 ly, có nghĩa là gần với số đạn tập đoàn cứ điểm bắn trong một đêm chiến đấu. Không còn cả mìn cho những điểm tựa phía trong mới lập thêm… Bộ Chỉ huy Pháp đã nhận thấy không những không thể thả dù tiếp viện ban ngày mà ngay ban đêm cũng không thể thả ngay cùng lúc cả một tiểu đoàn. Họ buộc phải chọn "phương án khả thi duy nhất" là thả dù người ban đêm bằng từng máy bay với khoảng cách về thời gian khác nhau. Phải mất ba đêm, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn dù tiêm kích số 1 mới tới hết Điện Biên Phủ.
Tính từ lúc bắt đầu chiến địch, ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 quân địch, một lực lượng tương đương sáu tiểu đoàn, trong đó có ba tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn. Do được tăng viện, tập đoàn cứ điểm vẫn còn khoảng một vạn quân Pháp, tuy không phải tất cả đều là lực lượng trực tiếp chiến đấu. Về địa hình có lợi, chúng ta đã khống chế các cao điểm ở phía Bắc phần lớn những cao điểm quan trọng ở phía đông phân khu trung tâm. Trận địa tiến công và bao vây của ta đã tới gần sân bay, vòng vây thắt chặt thêm. Phạm vi đóng quân cũng như vùng trời của quân Pháp bị thu hẹp nhiều. Phân khu Nam (Hồng Cúm) đã bị cắt hoàn toàn khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, số quân lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm vẫn là quá lớn đối với ta, và chúng còn khả năng tăng viện. Những máy bay và phi công Mỹ mặc thường phục, đã trở thành lực lượng chính vận chuyển tiếp tế cho binh đoàn tác chiến tây bắc của Pháp. Về phía ta, cũng không ít khó khăn. Phải nhanh chóng bổ sung quân số, đạn dược hao hụt khá nhiều qua đợt chiến đấu vừa rồi. Vấn đề lương thực cho bộ đội mỗi ngày càng ngặt nghèo, vì mùa mưa tới sớm, và địch tăng cường đánh phá các tuyến đường dẫn tới mặt trận. Phải tiếp tục đánh địch bằng cách nào với những chiến sĩ đã qua năm tháng trời liên tục hành quân, lao động và chiến đấu, với những đơn vị sẽ có thêm nhiều người lính mới chưa qua chiến đấu, để vừa khoét sâu hơn nữa chỗ yếu của địch, vừa hạn chế những thương vong của ta, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích kết liễu số phận con nhím Điện Biên Phủ?
Trong hội nghị sơ kết đợt tiến công vào khu Đông, Đảng ủy mặt trận quyết định tiếp tục những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 chiến dịch. Đó vẫn là hoàn thành việc đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía đông, thắt chặt trận địa tiến công và bao vây, đánh chiếm sân bay trung tâm tiến tới triệt hẳn đường tiếp tế và tiếp viện của địch, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Con đường chắc chắn dẫn tới chiến thắng là nhanh chóng siết chặt vòng vây lửa, đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Siết vòng vây sẽ hạn chế được uy lực không quân, pháo binh địch giảm nhẹ thương vong của bộ đội. Từ đầu chiến dịch, hỏa lực nhẹ của bộ binh ta chiếm ưu thế về số lượng chưa thể phát huy hết hiệu lực do khoảng cách giữa ta và địch còn xa. Siết chặt vòng vây sẽ cho phép ta tiêu diệt và tiêu hao quân địch bằng mọi vũ khí của bộ binh, kể cả súng trường và lựu đạn, tạo nên một hỏa lực áp đảo. Siết chặt vòng vây sẽ tạo điều kiện cho bộ đội ta phá hủy từng ụ đề kháng, dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch, bất thần tiêu diệt quân địch khiến chúng không kịp trở tay như tại vị trí 106. Đây cũng là cách thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, ít tổn thất về xương máu. Siết chặt vòng vây sẽ giúp ta tranh đoạt đồ tiếp tế của địch, giành lấy lương thực, nhất là đạn dược mà ta đang cần. Siết chặt vòng vây cũng chính là quá trình thu hẹp không phận tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.
Tại phân khu trung tâm Mường Thanh, nếu không kể Êpécviê (Epervier) là Sở Chỉ huy của Đờ Cát, địch chỉ còn lại bốn trung tâm đề kháng. Ở phía đông là Êlian. Số phận của trung tâm này sẽ được quyết định khi ta tiêu diệt xong cao điểm A1. Phía tây - bắc là cứ điểm Huyghét. Huyghét gồm sáu cứ điểm, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay và mặt tây - bắc phân khu trung tâm. Phía tây - nam là các cứ điểm Clôđin (Claudine) và Giuynông (Junon), ở liền kề với Sở Chỉ huy, có nhiệm vụ bảo vệ mặt tây - nam của nó. Clôđin gồm năm cứ điểm (về cuối chiến dịch, địch chia thành hai: Claudine và Lilie). Giuynông có ba cứ điểm. Nhiệm vụ trước mắt là phải cắt đứt ngay sân bay Mường Thanh. Tuy không còn máy bay hạ cánh, nhưng sân bay đã trở thành một địa điểm thả dù có bảo vệ, tiếp nhận hằng ngày phần lớn đồ tiếp tế và quân tăng viện. Chiếm được sân bay cũng có nghĩa là ta đã cắt đứt "dạ dày con nhím" Điện Biên Phủ. Trung tâm đề kháng Huyghét bảo vệ sân bay được bố trí chạy dài từ bắc xuống nam, dọc con đường từ Lai Châu về, song song với đường băng, là các cứ điểm: Huyghét 6, ở đầu bắc sân bay, Huyghét 1 ở giữa, Huyghét 2 và Huyghét 3 ở nam sân bay. Riêng Huyghét 5 và Huyghét 4 cũng ở nam sân bay nhưng nằm đột xuất về phía tây. Các đơn vị được trao nhiệm vụ cụ thể như sau: - Đại đoàn 308: Làm trận địa tiến công và chuẩn bị công kích cứ điểm 206 và các cứ điểm: 311A, 311B (thuộc trung tâm đề kháng Claudine), đưa trận địa tiếp cận Sở Chỉ huy của Đờ Cát. Làm trận địa chia cắt các cứ điểm 105, 206, 208 (Huguette 2). Phối hợp với Đại đoàn 312 làm giao thông hào cắt ngang sân bay phía nam cứ điểm 206. Đánh địch phản kích để giữ vững trận địa và đánh quân dù trong phạm vi đại đoàn phụ trách. - Đại đoàn 312: Củng cố trận địa phòng ngự ở các đồi E và D, chuẩn bị tiếp tục tiêu diệt cứ điểm 105 ở bắc sân bay, các vị trí 203, 204 và khu Tiểu đoàn ngụy Thái số 2, phối hợp với Đại đoàn 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh. - Đại đoàn 316: Làm trận địa tiến công A1, C2 ở phía đông. Củng cố trận địa phòng ngự ở C1. Chuẩn bị tiên công tiêu diệt A1 và C2. - Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304): Củng cố trận địa bao vây Hồng Cúm và trận địa tiến công Hồng Cúm. Kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm. - Đại đoàn 351: Củng cố các trận địa trú quân và trận địa hỏa lực, làm thêm một trận địa mới cho đại đội trọng pháo ở tây - bắc Mường Thanh. - Toàn bộ các đơn vị tích cực đẩy mạnh những hoạt động nhỏ, dùng mọi loại vũ khí của bộ binh bất kể ngày đêm tập kích bắn tỉa sát thương quân địch, bắn máy bay, đoạt dù tiếp tế làm cho địch không có lương ăn, nước uống, không còn đạn dược. - Các đơn vị đều phải củng cố trận địa nơi trú quân, trận địa tiến công, và tranh thủ củng cố đơn vị bồi dưỡng sức khỏe cho bộ đội học tập, rút kinh nghiệm đợt chiến đấu vừa qua để chuẩn bị cho trận tiến công quyết định sắp tới. Ngày 8/4/1954, sau khi được nghe phổ biến chủ trương tác chiến mới, có cán bộ nói: "Cấp trên đã bốc đúng thuốc". Mọi người đều nhận thấy những nhiệm vụ Bộ Chỉ huy chiến dịch trao cho đơn vị lần này, sẽ không có điều gì mà bộ đội không làm được.
Nhìn chung sau đợt tiến công vào các cao điểm phía đông, chiến trường nhiều lúc gần như yên tĩnh. Cái yên tĩnh này sẽ không đáng sợ với quân địch đang mong thời gian nhanh chóng trôi qua cho tới mùa mưa, nếu không có vô vàn những tiếng cuốc đào đất bất kể đêm ngày rậm rịch chung quanh, mỗi lúc càng rõ. Tiếng cuốc chính là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo tử "con nhím" Điện Biên Phủ. Suốt ngày đêm từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đầu hào chỉ cách địch vài chục mét, các chiến sĩ ta dùng ĐKZ bắn sập dần những lô cốt, ụ súng. Chiến hào tiến vào gần còn mang cho kẻ địch nhiều tai họa khác. Hàng rào dây thép gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho chính những người tiến công. Các tổ thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ, không tha bất cứ một tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự. Việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rốm trở thành vô cùng khó khăn. Có những tên địch ở ngay bờ sông cũng không dám xuống lấy nước. Chúng ngồi trong công sự quăng những chiếc can xuống sông rồi dùng dây kéo lên. Chiến sĩ bắn tỉa bắn vào can. Chúng chỉ thu về chiếc can rỗng. Trong các ngày từ 14 - 22/4, quân ta lần lượt triệt hạ một số cứ điểm thuộc cụm cứ điểm Huyghét, trong đó, trận quân ta tiêu diệt cứ điểm Huyghét 1 vào đêm 22/4/1954 là một thành công điển hình của chiến thuật "đánh dúi". Quân ta đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận trong đồn địch, đến nỗi quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "đội đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Trong vòng không đầy một giờ, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn Huyghét 1. Phần lớn số 177 lính lê dương bảo vệ vị trí bị bắt sống. Bộ đội ta đã tiêu diệt được một vị trí quan trọng do một đơn vị lê dương sừng sỏ của Pháp bảo vệ với tổn thất không đáng kể. 22 giờ đêm, quân ta chiếm được đồn, vậy mà đến tận sáng, Sở Chỉ huy của Đờ Cát ở Mường Thanh vẫn chưa hề biết tin, mãi đến 7 giờ sáng ngày 23/4, khi một số tên lính Pháp thoát chết chạy về báo tin thì Sở Chỉ huy của Pháp mới biết. Cái chết không kịp cất tiếng kêu của Huyghét 1 đã làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ bàng hoàng. Từ giờ phút đó trở đi, mỗi khi đường hào của ta tới gần, quân Pháp ở trong cứ điểm không còn chỉ thấy đây là mối đe dọa mà chính là cái chết đã tới, một cái chết không báo trước, xuất hiện từ lòng đất. Sáng ngày 23/4, sau khi biết tin cứ điểm Huyghét đã thất thủ, Đờ Cát vội vàng cho quân từ phân khu Trung tâm ra tiếp viện cho và tiến hành phản công hòng lấy lại những cứ điểm Huyghét đã mất. Nhưng kết quả cuối cùng là không những không lấy lại được cứ điểm Huyghét, mà quân Pháp lại thiệt nặng nề. Cuộc chiến Huyghét đã cướp đi những lực lượng ứng chiến cuối cùng của quân Pháp. Cũng trong ngày 23/4, quân ta không những đánh tan các cuộc phản kích của quân Pháp tại cứ điểm Huyghét, mà còn hoàn thành việc đào chiến hào theo cách "đánh dúi", cắt đôi sân bay Mường Thanh, triệt hạ cái "dạ dày" quan trọng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau trận này, cả hai bên lại tạm thời im tiếng súng. Cái im lặng đáng sợ, nghẹt thở giành cho quân Pháp. Nhưng cái im lặng đó cũng chính là lúc quân ta nghỉ ngơi, chăm sóc thương binh, tiếp tế thêm lương thực, đạn dược, củng cố trận địa, chỉnh huấn, chỉnh quân để chuẩn bị bước vào đợt tấn công thứ 3. Thậm chí lúc này còn có cả một đoàn văn công vừa mới tham gia liên hoan nghệ thuật ở Hung-ga-ri về đã lên ngay mặt trận để biểu diễn phục vụ bộ đội, giúp bộ đội quên đi những mệt nhọc trong những ngày chiến đấu gian khổ vừa qua.
Nhớ về giai đoạn này, trong Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hồi tưởng lại: "…Một cuộc vận động "Ba tốt: ăn tốt, ngủ tốt, đánh tốt" được triển khai trên toàn mặt trận. Cán bộ chính trị, quân y tới những nơi sinh hoạt bộ đội gặp khó khăn nhất, nghiên cứu tạo mọi điều kiện ăn, ở, giải trí sao cho bộ đội giữ gìn được sức khỏe, sinh hoạt thoải mái, bảo đảm chiến đấu lâu dài. Hầm hào đã được mở rộng, củng cố hạn chế sự đe dọa của bom đạn. Những "đường phố" sạch xuất hiện tại trận đồ. Mỗi "căn nhà" hầm của tổ ba người có hai "giường" bằng đất... căng vải dù, nằm ngồi thoải mái. Bếp Hoàng Cầm ra đời từ Chiến dịch Hòa Bình, được phát triển thành "bếp hầm Hoàng Cầm" có nơi đun nấu, kho thực phẩm, chỗ nằm của anh nuôi và cả một các giếng nước trong vắt, đã phát huy tác dụng rất cao. Trên đồi A1, C1, trên sân bay, ta và địch chỉ cách nhau một tầm lựu đạn, bộ đội vẫn được ăn một bữa cơm nóng, uống nước nóng, đọc truyện "Thượng Cam Lĩnh", "Ngày và đêm ở Xtalingrát"..., xem báo "Quân đội nhân dân", chơi bài túlơkhơ. Bộ đội ở hỏa tuyến luân phiên về phía sau tắm giặt. Đặc biệt ở những đơn vị pháo binh, hầm của bộ đội đều khá rộng và chắc chắn. Anh em dùng gỗ hòm đạn lát trần, lát vách hầm, ghép giường nằm và đóng cả bàn ghế. Anh em còn dùng vỏ đạn chế tạo thành đèn dầu và những chiếc lọ xinh xinh cắm những bông hoa rừng. Tại các đội điều trị, dù chiến lợi phẩm được đưa tới làm chăn đắp cho thương binh. Khi vào hầm mổ có cảm giác như vào một bệnh viện hiện đại. Tường rất phẳng, góc rất vuông căng vải trắng tinh. Sàn hầm lát bằng những thân cây sậy phủ một lớp vải dù. Không khí dịu mát phảng phất mùi ête thơm thơm. Những bác sĩ phẫu thuật áo choàng trắng toát làm việc dưới ánh sáng "đèn điện" mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay…". Rõ ràng, việc siết chặt vòng vây đã đẩy quân Pháp vào tình trạng ngày càng khốn đốn, nhưng mang lại hiệu quả rất to lớn cho quân ta, giúp quân ta có thêm tinh thần và sức lực để chuẩn bị bước vào đợt tổng tiến công cuối cùng giành toàn thắng./. -------------------- Nguồn tham khảo: - "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004; - Hồi ký "Điện Biên phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004; - Hồi ký "Đánh lấn" của Đại tá Trịnh Tráng, Nguyên Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004; - Lịch sử Quân sự Việt Nam. Theo Dangcongsan.vn |