Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều tồn tại về công tác VSATTP đã được ngành Nông nghiệp chỉ ra, đó là việc giám sát, thanh tra, kiểm tra vẫn chưa bài bản, chưa gắn kết giám sát cảnh báo với kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm. Tình hình triển khai tại các địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức; chưa giám sát, đánh giá, xác định kịp thời sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả. Hậu quả là nhiều cơ sở, đặc biệt là các cơ sở giết mổ xếp loại C sau hai lần kiểm tra chưa được xử lý; việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng; uy tín của doanh nghiệp, của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng. Tại Ninh Bình, thời gian qua ngành Nông nghiệp mà trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP theo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là kiểm tra giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nuôi trồng. Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi an toàn, hình thành các vùng rau an toàn tập trung, bước đầu đã hình thành một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn như: "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm", "Nuôi gà theo hướng phát triển bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm", "Chuỗi cung cấp sản phẩm rau an toàn"… Đến thời điểm này, đa số các mẫu nông, lâm, thủy sản trên địa bàn qua test nhanh đều không phát hiện chất cấm và dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép, riêng chỉ có một mẫu thịt có lượng vi khuẩn E.Coli vượt mức giới hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người tiêu dùng đã có thể yên tâm với chất lượng thực phẩm trong nông nghiệp. Trên thực tế, người sản xuất, đặc biệt là nông dân còn nhiều hạn chế trong kỹ thuật sản xuất, kiến thức trong bảo đảm ATTP, quy mô sản xuất phần lớn vẫn đang ở dạng manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong công tác quản lý; tình trạng mất vệ sinh, không bảo đảm ATTP trong khâu giết mổ, đặc biệt là các cơ sở sơ chế, giết mổ nhỏ lẻ đang tiếp tục là vấn đề bức xúc, chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế, khắc phục. Một số cơ sở chế biến thực phẩm vẫn vi phạm các quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP, sử dụng các dụng cụ, vật liệu bao gói, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không an toàn. Trong 9 tháng đầu năm 2015, qua kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại 126 cơ sở trên địa bàn tỉnh cho thấy tỷ lệ các cơ sở xếp loại C vẫn còn cao (chiếm 6,34%), các cơ sở xếp loại A rất ít, chỉ có 3 cơ sở (chiếm 2,4%), còn lại đa phần các cơ sở xếp loại B.
Nhằm giải quyết căn bản những bức xúc, nổi cộm hiện nay, mới đây Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ra kế hoạch triển khai đợt cao điểm hành động về VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến hết Tết Nguyên đán (10-2015 - 2-2016) với hàng loạt các công việc cụ thể cho toàn ngành. Mục tiêu chung là tạo sức bật, lấy lại niềm tin người tiêu dùng, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực.
Đồng chí Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, thời gian tới Chi cục tiếp tục ưu tiên cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức ATVSTP cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh. Phát triển các mô hình sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi ATVSTP. Xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm và đảm bảo VSATTP. Khuyến khích giám sát cộng đồng trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, Chi cục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Mục tiêu 100% các cơ sở đều phải được thống kê, kiểm tra, phân loại và công khai kết quả phân loại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết. Đồng thời tất cả các cơ sở xếp loại C sẽ bị tái kiểm tra, xử lý dứt điểm sau 2 lần kiểm tra. Về tồn dư hóa chất, kháng sinh và thuốc BVTV, sẽ nỗ lực kiểm soát nhằm giảm 10% tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng tồn dư đối với thịt, thủy sản nuôi, rau, chè và gạo; giảm 10% tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh trong thịt lợn, thịt gà so với năm 2014.
Bài, ảnh: Hà Phương