Kỳ 2: Kinh doanh đa cấp-Khó quản lý do đâu?
Mập mờ hình thức kinh doanh
Để nhanh chóng lấy lòng tin của người dân, hiện nay một số cơ sở kinh doanh đa cấp trên địa bàn cố tình mập mờ trong việc đăng ký hình thức kinh doanh dễ gây hiểu nhầm cho người tham gia.
Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện nói: "Hình thức kinh doanh đa cấp đang gây khó khăn cho công tác quản lý cấp phép kinh doanh và rối ren trật tự xã hội ở địa phương. Chúng tôi rất lo bán hàng đa cấp trở thành một loại "tín dụng đen" như một số năm trước.
Theo đồng chí Trần Thanh Bình, do không có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp và ngành đã dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lợi dụng sơ hở để đăng ký kinh doanh tại địa phương nhằm lấy uy tín với người dân rằng đây là cơ sở kinh doanh đã được Nhà nước cấp phép.
Qua tìm hiểu được biết, tháng 6/2014, phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Kim Sơn đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho ông Trần Văn Ninh tại xóm 4, xã Ân Hòa, Kim Sơn. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là mua bán hàng kim khí điện máy, dụng cụ thể thao, quần áo may sẵn, đồ điện tử, máy massage, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đại lý hàng hóa ký gửi, dịch vụ thẩm mỹ, dưỡng sinh.
Tuy nhiên, theo phản ánh, quá trình tổ chức kinh doanh của hộ ông Trần Văn Ninh đã và đang để lại dư luận không tốt trong nhân dân địa phương.
Đồng chí Trần Văn Tiều, Phó phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Kim Sơn cho biết: Để tìm hiểu thực hư ý kiến phản ánh của nhân dân, UBND huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đề nghị Đội Quản lý thị trường số 9 (Sở Công thương), Công an huyện, Chi cục thuế… kiểm tra cơ sở.
Qua kiểm tra cho thấy: địa điểm kinh doanh đa cấp trên đã được Sở Công thương xác nhận tại Công văn số 925/XN/SCT. Do đó cơ sở này có quyền tổ chức bán hàng đa cấp dưới sự quản lý bán hàng của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Trong quá trình kiểm tra, ông Trần Văn Ninh cũng xác nhận đại lý của ông từ trước đến nay đều mua hàng hóa của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, ngoài ra không mua hàng hóa ở nơi nào khác về bán; cơ sở tổ chức bán hàng và giá hàng bán ra do công ty quy định, được hưởng triết khấu thương mại 10%.
Ngoài ra, hộ kinh doanh ông Trần Văn Ninh treo biển hiệu "Cơ sở kinh doanh Hoàng Phi", là tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp. Mặc dù được xác nhận kinh doanh đa cấp tại cơ sở xóm 4, Ân Hòa, Kim Sơn nhưng ông Ninh vẫn đăng ký kinh doanh hộ tại địa điểm trên.
Đăng ký kinh doanh hộ nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời hoạt động kinh doanh tại địa điểm cũng không đúng với ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận kinh doanh hộ. Như vậy cơ sở trên đã vi phạm Điều 6, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Văn Tiều khẳng định: Sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh của hộ ông Trần Văn Ninh, xác định ông Ninh đang sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh do huyện Kim Sơn cấp để ký hợp đồng mua, bán hàng hóa với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Việc này khiến nhân dân hiểu lầm rằng cơ sở kinh doanh Trần Văn Ninh đã được huyện Kim Sơn cấp giấy đăng ký hoạt động.
Như vậy, với việc "mập mờ" hình thức kinh doanh, cơ sở đã vi phạm Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, theo quy định, ông Trần Văn Ninh chỉ có quyền ký hợp đồng với công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để làm đại lý hưởng triết khấu với danh nghĩa là chuyên viên kinh doanh chứ không được lấy danh nghĩa cơ sở kinh doanh như hiện nay.
Sai phạm này trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, vì công ty bán hàng đa cấp là công ty bán lẻ nên việc ký hợp đồng bán hàng cho các cơ sở, tổ chức kinh doanh là hình thức bán buôn hàng hóa. Như vậy Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vi phạm Nghị định 42 của Chính phủ về kinh doanh đa cấp.
Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương. Đồng chí Kiên cho biết phía Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã thừa nhận những tồn tại của các cơ sở kinh doanh tại Ninh Bình.
Từ những sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và xuất phát từ thực tiễn quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã thu hồi văn bản xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, trong đó có địa điểm bán hàng đa cấp tại Kim Sơn.
Qua vụ việc cơ sở kinh doanh đa cấp ở Kim Sơn cho thấy việc phối hợp quản lý bán hàng đa cấp giữa các cấp và ngành có liên quan cần phải chặt chẽ hơn.
Việc quản lý ở địa phương gặp nhiều khó khăn
Theo thống kê của Sở Công thương, đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp thông báo hoạt động đa cấp trên địa bàn.
Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này chủ yếu đều có trụ sở đặt ở ngoại tỉnh hoặc các thành phố lớn như Hà Nội, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang… không có doanh nghiệp nào có trụ sở chính đóng tại Ninh Bình mà chỉ là các trung tâm phân phối, chi nhánh hoặc các đại lý với mạng lưới hoạt động trên khắp địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các mặt hàng đa cấp phần lớn lại có xuất xứ từ nước ngoài nên chất lượng, giá trị sử dụng và giá cả sản phẩm thường không so sánh được với các sản phẩm trên thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng mạng lưới phân phối, bán hàng đến người tiêu dùng là truyền miệng, do đó rất dễ bị lợi dụng thổi phồng giá trị, gây nhầm lẫn, dụ dỗ người tiêu dùng.
Ngoài ra, để phát triển mạng lưới, thu hút ngày càng đông người tham gia, các doanh nghiệp phân phối thường đưa ra mức tiền thưởng, hoa hồng cao.
Để tăng sức thuyết phục, các doanh nghiệp tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị quy mô hoành tráng, mời thuyết trình viên tự xưng là bác sỹ, dược sỹ hoặc chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm để giới thiệu sản phẩm.
Cách làm này đã tỏ ra khá hiệu quả đối với người tiêu dùng, điều này lý giải cho việc mạng lưới những người tham gia bán hàng đa cấp trong tỉnh phát triển rất nhanh và có mặt trên hầu hết địa bàn nông thôn, miền núi.
Trước sự phức tạp của tình hình hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Vừa qua, Sở Công thương đã tiến hành rà soát lại các đại lý, chi nhánh của các công ty bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tính từ tháng 7 năm 2015 đến nay, Sở Công thương đã quyết định thu hồi xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của 21 công ty và hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn có 4 doanh nghiệp được phép hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh chống bán hàng đa cấp biến tướng, đến nay hoạt động này đã được kiềm chế, không còn công khai như trước, nhưng mạng lưới hoạt động trong tỉnh hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp rất khó kiểm soát, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lỏng lẻo trong cơ chế kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp.
Bảo Yến
Kỳ 3: Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
Kỳ 1: Bán hàng đa cấp ở làng quê