Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai với phương châm đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian quy định với mục tiêu để người có công được ở trong những ngôi nhà mới trong thời gian sớm nhất.
Năm 2013, qua khảo sát, gia đình ông Quách Ghi Bằng ở thôn Tiền Phong, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) thuộc diện đối tượng được nhận hỗ trợ để xâymới nhà ở theo Quyết định số 22 với mức hỗ trợ 40 triệu đồng. "Có được ngôi nhà kiên cố là niềm mơ ước của gia đình tôi từ lâu, bởi lẽ ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Ngặt nỗi, kinh tế còn khó khăn nên chưa thể thực hiện được. Khi được thông báo thuộc diện được hỗ trợ xây nhà thì tôi rất phấn khởi, nhưng đợi mãi vẫn chưa có kinh phí hỗ trợ trong khi ngôi nhà xuống cấp nặng, không thể ở thêm được nữa"- ông Bằng chia sẻ.
Đến năm 2014, mặc dù chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì điều kiện nhà xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão nên gia đình ông Bằng huy động nội lực gia đình, họ hàng và mạnh dạn vay thêm ngân hàng để dỡ bỏ ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp nghiêm trọng để xây dựng ngôi nhà mới kiên cố. Có được ngôi nhà khang trang để ở, song chưa lúc nào bệnh binh Quách Ghi Bằng cảm thấy phấn chấn bởi khoản vay nợ để làm nhà vẫn còn đó. Ông Bằng hi vọng, sau khi nhận được khoản tiền hỗ trợ sẽ trả nợ tiền vay xây ngôi nhà. Nhưng vài năm qua, tiền hỗ trợ chưa về, cuộc sống của vợ chồng ông và cậu con trai út bị bệnh tâm thần càng thêm khó khăn bởi phải gánh thêm khoản nợ từ ngân hàng.
Theo ông Lương Văn Thụy, Phó trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ người có công về nhà ở. Qua kiểm tra, lập danh sách, huyện Nho Quan có 538 hộ được phê duyệt. Hiện nay, đã có 128 hộ đã được hỗ trợ kinh phí giai đoạn 1 và 136 hộ tự ứng trước kinh phí để xây mới và sửa chữa nhà ở. Còn lại, các hộ vẫn đang chờ đợi nguồn hỗ trợ kinh phí để có thể xây mới, sửa chữa nhà ở.
Ông Hoàng Hải Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết, theo kết quả rà soát và thẩm định kỹ thì toàn tỉnh có trên 2000 hộ thuộc đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở thuộc diện được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 22.
Tuy nhiên, từ đợt bố trí vốn đầu tiên vào cuối năm 2014 mới chỉ hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 426 hộ. Số đối tượng còn lại là rất lớn, trong đó đa số là đối tượng thuộc thành phần già yếu, neo đơn và không có sức lao động, hoàn cảnh rất khó khăn, trong khi đó tình trạng nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng. Song trên thực tế, do nguồn ngân sách để thực hiện Quyết định số 22 chưa cấp đủ nên tiến độ thực hiện ở tỉnh ta cũng như ở nhiều địa phương khác trên cả nước đều chậm hơn so với yêu cầu. Nhiều hộ gia đình vì nhu cầu quá bức thiết nên đã phải tự vay tiền để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở mà đau đáu nỗi lo về khoản vay chưa biết bao giờ mới trả nổi.
Những khó khăn, thách thức đặt ra đối với việc hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở đã được giải quyết khi ngày 25/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đồng ý hoàn trả ngay cho các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định tại Quyết định 22 để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Đối với trường hợp thuộc diện hỗ trợ mà cả người có công và vợ (chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà đó thì các địa phương cũng rà soát cụ thể từng trường hợp, nếu thực sự có khó khăn về nhà ở thì các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP, tỉnh ta tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan vào cuộc thực hiện rà soát đối tượng đảm bảo công bằng, khách quan, đúng đối tượng. Kết quả sau rà soát, toàn tỉnh có 2.247 hộ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở được phê duyệt hỗ trợ.
Đến nay, đã có 547 hộ đã được hỗ trợ kinh phí giai đoạn 1, trong đó 426 hộ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và 121 hộ được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. Đã có 557 hộ tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Hiện nay, toàn tỉnh còn 1.232 hộ đã được phê duyệt đề nghị hỗ trợ kinh phí giai đoạn 2, trong đó nhu cầu xây mới là 603 hộ và sửa chữa 629 hộ.
Đặc biệt, đối với các đối tượng người có công là vợ (chồng) đã chết nhưng có con còn khó khăn về nhà ở, tỉnh ta cũng thống kê được 52 hộ, trong đó tập trung nhiều ở huyện Nho Quan và 471 số hộ người có công phát sinh cần được hỗ trợ nhà ở.
Đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã tham mưu phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công. Theo đó, đối với 557 hộ tự ứng kinh phí để xây mới, sửa chữa nhà ở thì sẽ được chi trả với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng. Kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho các hộ còn lại của Đề án giai đoạn 2 là trên 36 tỷ đồng. Riêng đối với những đối tượng phát sinh và đối tượng là con của người có công đã mất có khó khăn về nhà ở và các đối tượng phát sinh mặc dù không thuộc diện được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, song tỉnh ta cũng đã có phương án trích 10 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" để hỗ trợ…
Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 63, tin rằng những người có công sẽ sớm được ở trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình. Đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 năm nay.
Đào Hằng