ATM - nhiều người sử dụng, hiệu quả còn hạn chế
Cuối năm 2007, sau 2 tháng thực hiện trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã có 110 đơn vị thực hiện với số lượng 4.950 tài khoản, trên địa bàn tỉnh mới có 9 máy ATM và 7 điểm chấp nhận thẻ.
Cuối năm 2010, toàn tỉnh có 366 đơn vị trả lương qua tài khoản, bằng 42,8% tổng số đơn vị hưởng lương từ NSNN với 13.530 tài khoản, chiếm 50% tổng số người hưởng lương từ NSNN. Các NHTM đã trang bị 41 máy ATM và 60 điểm chấp nhận thẻ, phần lớn được lắp đặt tại các trung tâm thành phố, thị xã.
Ngoài số người dùng thẻ ATM hưởng lương từ NSNN, trên thực tế số người sử dụng thẻ tại các nhà máy, doanh nghiệp, các khu công nghiệp cũng khá lớn, cho thấy số lượng người sử dụng thẻ ATM tăng nhanh qua các năm, trong khi đó số lượng máy ATM và các điểm chấp nhận thẻ thì tăng ở mức khiêm tốn. Hiện tại, người dân mới chỉ dùng thẻ ATM ở mục đích rút tiền mặt.
Như vậy, qua hơn 3 năm thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN theo Chỉ thị 20 của Chính phủ đã có tác dụng bước đầu đối với việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 ở nước ta. Thông qua việc rút tiền từ ATM, người dân được tiếp cận công nghệ hiện đại, giảm bớt việc phải mang tiền mặt theo khi đi xa, được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đối với số tiền lương còn dư trên tài khoản. Ngoài ra còn được hưởng các dịch vụ thanh toán tiện ích khác như chuyển tiền, dùng thẻ mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thẻ.
Đối với các cơ quan, đơn vị ủy thác cho ngân hàng trả lương qua tài khoản đã tiết kiệm được nhân lực và thời gian trong việc chi trả lương, giảm bớt lượng tiền mặt tồn quỹ, từ đó hạn chế rủi ro mất mát. Các NHTM có môi trường để mở rộng các dịch vụ tiện ích với khách hàng. Bà Vũ Thị Hằng, Trưởng phòng Tổng hợp và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Mặc dù mục tiêu của việc trả lương qua tài khoản là ưu việt, song cho đến thời điểm này, phần lớn dân cư trên địa bàn tỉnh ta, kể cả đối tượng hưởng lương từ NSNN chưa thực sự có nhu cầu mở tài khoản cá nhân và thanh toán qua thẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhìn chung đối tượng hưởng lương từ NSNN có thu nhập thấp, thường chỉ rút tiền lương 1 lần qua máy ATM, sau khi tiền lương được trả vào tài khoản để phục vụ chi tiêu hàng ngày, nên mật độ người rút tiền tại máy vào thời điểm này rất đông, bên cạnh đó nhận thức của một bộ phận dân cư trong việc sử dụng thẻ còn hạn chế nên gặp khó khăn và kéo dài thời gian sử dụng máy ATM. Đồng thời do nhiều lý do, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dân cư. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Dùng thẻ ATM chỉ tiện không phải mang tiền đi xa chứ hàng tháng rất ngại khi phải đi rút tiền. Cùng quan điểm với chị Hoa, chị Thảo ở phường Nam Thành nói: Thực chất cái máy ATM chẳng khác gì người thủ quỹ ở cơ quan, nhưng bất tiện hơn là phải chờ đợi quá lâu, có khi còn cãi nhau vì người vào trước, người vào sau. Các nước phát triển người ta dùng thẻ là để trả tiền điện, tiền nước, điện thoại, mua sắm qua mạng…, đằng này mình đi rút tiền về để đi chợ. Thực sự thì cơ quan tôi cũng rất nhiều người chưa có nhu cầu dùng thẻ...
Cần có giải pháp phát triển đồng bộ
Đại diện một NHTM cho biết: Việc cung cấp dịch vụ trả lương qua tài khoản đối với các NHTM hiện tại mới chỉ là một hình thức phục vụ cho khách hàng chứ chưa đạt hiệu quả kinh doanh vì hầu hết người dân sau khi có lương sẽ ra rút hết, không để tiền đọng trong tài khoản. Đối với các dịch vụ đi kèm thì hiện tại chưa có một đơn vị cung cấp dịch vụ nào như: điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp… chủ động trong việc ủy thác thu phí dịch vụ qua tài khoản cá nhân của đối tượng hưởng lương NSNN cho các ngân hàng. Bởi lẽ hiện tại số nhân lực để dành cho việc đi thu phí của các đơn vị quá đông, không thể ngày một, ngày hai có thể cho nghỉ hoặc thuyên chuyển công tác khác được. Hơn nữa cả 2 phía ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ đều chưa chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị cũng như con người để thực hiện việc này.
Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù các NHTM đã có nhiều cố gắng, điển hình như chi nhánh NHTM Cổ phần Công thương Ninh Bình, đã trả lương cho 145 đơn vị hưởng lương từ NSNN (chiếm tỷ trọng 40% tổng số đơn vị đã trả lương qua tài khoản) với 5.070 tài khoản, nhưng các đơn vị này đều là đơn vị chi nhánh nên về việc trang bị máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực đều do phụ thuộc vào tổ chức tín dụng cấp trên. Bên cạnh đó chất lượng máy móc, kỹ thuật, công nghệ trong cung ứng dịch vụ thẻ còn hạn chế, trình độ chuyên sâu và tính chuyên nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng làm công tác thẻ còn có mặt bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Đối tượng hưởng lương NSNN trên địa bàn các huyện phân tán trên địa bàn rộng, trong khi đó số lượng máy ATM được trang bị còn hạn chế, được bố trí chủ yếu ở nơi tập trung dân cư nên việc triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản còn khó khăn.
Thời gian tới, các ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là chủ động phối hợp giữa Kho bạc Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có đối tượng hưởng lương từ NSNN với các NHTM trong việc phân định lịch trình trả lương qua tài khoản cho các đơn vị. Các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng cần nhanh chóng chuẩn bị điều kiện để phối hợp với ngân hàng trong việc thu phí đối với đối tượng hưởng lương NSNN, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, chính quyền các phường, xã nơi đặt máy rút tiền tự động nhằm đảm bảo an ninh.
Đối với các NHTM trên địa bàn, việc tăng cường các biện pháp đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng dịch vụ trả lương qua tài khoản với chất lượng tốt hơn là cần thiết. Đồng thời nghiên cứu từng bước áp dụng đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, để tăng doanh số thanh toán qua tài khoản của cá nhân.
Ngoài ra ngành Ngân hàng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương trả lương qua tài khoản cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tiếp cận với ngân hàng, sử dụng dịch vụ.
Bảo Yến