Ngay sau khi có chủ trương, chương trình nêu trên, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã chủ động báo cáo với Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam, đồng thời phối hợp với các ngành: Giáo dục, Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề tại địa phương để tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định. Đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Đài truyền thanh các cấp, Báo Ninh Bình mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải quyết định, các văn bản có liên quan đến mọi người dân. Thống kê danh sách học sinh đỗ đại học, cao đẳng học nghề trên địa bàn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch nguồn vốn. Tham mưư cho Ban đại diện HĐQT, thông báo nguồn vốn cho các huyện, thành phố, thị xã. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành, các tổ tiết kiệm và vay vốn, các cấp hội nhận ủy thác… Báo cáo của NHCSXH tỉnh cho biết: Sau 3 năm thực hiện chương trình, đã cho 39.543 hộ gia đình có HSSV vay 563.281 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 31-12-2010 của chương trình này là 547.348 triệu đồng với 34.109 hộ gia đình cùng 39.405 HSSV được vay vốn. Nếu phân theo cấp đào tạo: Dư nợ cho vay HSSV học đại học, cao đẳng là 396.030 triệu đồng, chiếm 66% tổng số HSSV được vay; học trung cấp 113.857 triệu đồng, chiếm 24% tổng số HSSV được vay; học nghề trên 1 năm 37.312 triệu đồng, chiếm 9,97% tổng số HSSV được vay; học nghề dưới 1 năm 149 triệu đồng, chiếm 0,03% tổng số HSSV được vay. Dư nợ quá hạn đến 31-12-2010 là 533 triệu đồng, trong đó cho vay trực tiếp 13 triệu đồng, cho vay qua hộ, gia đình 520 triệu đồng. Về phương thức giải ngân, trong tổng số dư nợ cho HSSV vay đến cuối năm 2010 có 91 triệu đồng cho vay trực tiếp; 547.257 triệu đồng cho vay thông qua ủy thác, trong đó qua Hội Nông dân 140.161 triệu đồng, Hội Phụ nữ 273.243 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh 100.777 triệu đồng, Đoàn thanh niên 33.076 triệu đồng.
Theo ông Lê Hữu Báu, Giám đốc NHCSXH tỉnh thì: Chương trình này có ý nghĩa xã hội sâu sắc, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình đã giải quyết được vấn đề bức xúc lớn trong xã hội, nhất là đối với hộ nông dân nghèo có con em theo học, giảm tỷ lệ học HSSV bỏ học vì không có kinh phí. Em Đinh Thu Hiền (Hoa Lư), sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Công đoàn cho biết: Gia đình em là hộ nông dân nghèo, khi em nhận được giấy báo trúng tuyển của trường bố mẹ em rất lo vì không biết lấy tiền đâu để chi phí cho em ăn học nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Lúc đầu thì vay mượn anh em họ hàng, nhưng cũng chỉ đảm bảo được phần nào. Nhờ có chương trình mà gia đình em được vay vốn, gửi lên chi phí cho em yên tâm học tập. Bây giờ em chỉ phải lo học tập tốt để sau này ra trường, đi làm giúp gia đình trả nợ Ngân hàng…
Có được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của NHCSXH Việt Nam, chính quyền và Ban đại diện các cấp, các hội đoàn thể… chung tay, góp sức trong việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo địa bàn thôn, xóm, ấp, bản, làng, xã…, đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng là HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Việc giải ngân, thu nợ, thu lãi được thực hiện ngay tại xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi vay vốn, trả lãi, trả vốn.
Đinh Chúc