Để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về XDTNM. Toàn tỉnh đã tổ chức 153 lớp tập huấn cho cán chủ chốt cấp tỉnh, cán bộ huyện và xã về XDNTM. Sau 2 năm triển khai thực hiện, về cơ bản các xã đều tăng được tiêu chí đạt so với năm 2010. Riêng 25 xã điểm, mỗi xã tăng bình quân 2-3 tiêu chí; đặc biệt là xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp) và Gia Lập (Gia Viễn) tăng 5 tiêu chí.
Theo báo cáo đánh giá, cập nhật thực trạng nông thôn của các địa phương so với bộ tiêu chí Quốc gia, toàn tỉnh có 3 xã đạt trên 10 tiêu chí, tăng 2 xã so với năm 2010; 64 xã đạt từ 6-9 tiêu chí, tăng 21 xã so với năm 2010; 50 xã đạt từ 3- 5 tiêu chí và 3 xã đạt từ 1-2 tiêu chí. Đến 30-6-2012, toàn tỉnh có 100% số xã hoàn thành xong quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới; 53 xã đang triển khai quy hoạch chi tiết về mạng lưới điểm dân cư, không gian kiến trúc hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm xã, sử dụng đất.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng đóng vai trò quan trọng trong XDNTM nên được các xã rất coi trọng và tập trung nguồn đầu tư. Toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới được trên 1.060 công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường và công trình phúc lợi…, với kinh phí đầu tư khoảng 1.559 tỷ đồng. Trong đó tu bổ, nâng cấp 511 công trình giao thông với 214 km đường liên xã, trục xã, đường thôn xóm và nội đồng; kiên cố hóa 75 km, nạo vét 93 km kênh mương và xây dựng tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Sửa chữa, nâng cấp 136 công trình phúc lợi như: Trường học các cấp, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn và xã; trạm y tế xã, công trình điện, chợ; khu thể thao thôn, xã và 98 công trình khác được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Về phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân được xác định rõ, đây là vấn đề khó khăn nên Ban chỉ đạo tỉnh đã rất chú trọng để tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Các xã đã cơ bản quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược. Đến nay đã có 27 xã xây dựng đề án phát triển sản xuất, đang triển khai 129 mô hình; trong đó có 82 mô hình tốt được nhân rộng. Năm 2012, vốn hỗ trợ cho phát triển sản xuất chủ yếu là hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất, hỗ trợ máy gặt đập liên hoàn, máy làm đất công suất lớn đạt 30 tỷ đồng, tăng 10 tỷ so với năm 2011.
Thu nhập của người dân năm 2011 tăng khoảng 13,6% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã làm điểm đã giảm đáng kể như: Xã Xuân Thiện (Kim Sơn) giảm 3%; xã Gia Lập (Gia Viễn) giảm 1,7%.
Nguồn lực đã đầu tư cho chương trình XDNTM đạt khoảng trên 326 tỷ đồng; trong đó kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình là 83,4 tỷ đồng; kinh phí các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn là 156,1 tỷ đồng; nhân dân hiến đất và đóng góp tiền, nguyên vật liệu, công lao động khoảng 86,6 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch cho vay phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30-6 đạt 31.765 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn đạt 8.386 tỷ đồng, chiếm 26,4% trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.
Một số kinh nghiệm được rút ra đó là: Nơi nào các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện Chương trình XDNTM thì nơi đó phong trào đạt kết quả cao. Cần tăng cường và coi trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong XDNTM; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia để phát huy cao độ nội lực của cộng đồng. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương để huy động các nguồn lực vừa đảm bảo được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác của địa phương.
Đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng lại hoặc bổ sung các quy chế, hương ước phù hợp với phong tục tập quán từng vùng, đáp ứng nhiệm vụ XDNTM, làm căn cứ để nhân dân góp công, góp sức cùng XDNTM. Như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình sẽ có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện vai trò nhiều hơn.
Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của XDNTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, do vậy cần nhận thức và hành động đúng về XDNTM và lấy 19 tiêu chí là chỗ dựa, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công.
Trong phong trào XDNTM, vai trò của đội ngũ cán bộ rất quan trọng, do vậy cần tăng cường xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ XDNTM.
Thanh Chiên