Những mô hình chuyển đổi hiệu quả
Sở hữu cả 5-6 ha, bao gồm cả đất canh tác và núi đá, đưa đủ các loại cây từ ngô, sắn đến keo tai tượng vào trồng nhưng kinh tế gia đình chị Phạm Thị Hưởng, thôn 1, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp vẫn không khấm khá được. Bởi lẽ đất đai ở đây khô cằn, cây trồng không phát triển được, năng suất thấp.
Đầu năm 2015, Trạm khuyến nông thành phố hỗ trợ đưa giống cỏ VA06 về để chị trồng thử nghiệm, hiệu quả thật bất ngờ.
Chị Hưởng chia sẻ: Cỏ rất dễ trồng, dễ tái sinh và thời gian tái sinh ngắn. Một đợt cắt cỏ xong, thì khoảng 2 tuần sau cỏ phủ cao và tiếp tục cắt lại. Cỏ mềm, bò dễ ăn, dễ tiêu hóa, nhiều dưỡng chất nên đàn bò rất mau lớn.
Từ khi trồng cỏ, việc chăn nuôi không vất vả như trước nữa, thay vì chỉ nuôi một vài con như những năm trước giờ đây gia đình chị đã mở rộng quy mô đàn bò lên 20 con, thu nhập nhờ đó cũng tăng lên đáng kể.
Còn tại khu ruộng trũng có diện tích khoảng 5 ha thuộc thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn trước kia thường xuyên bị ngập úng, bỏ hoang giờ đã trở thành khu nuôi thủy sản tập trung, quy củ, hiện đại với hệ thống bờ kè được bê tông hóa rồi quạt nước, máy bơm, điện thắp sáng...
Anh Nguyễn Văn Dụng, một chủ đầm ở đây cho biết: khu này trước đây cấy lúa một vụ bấp bênh nên nông dân không ai muốn nhận ruộng.
Năm 2014, chính quyền xã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), gia đình tôi nhận lại để chuyển đổi mô hình sản xuất.
Được Chi cục Thủy sản cử cán bộ về khảo sát, hướng dẫn, tôi cải tạo ruộng thành các ao lớn và đưa các giống thủy sản có giá trị vào thả như cá trắm đen, cá chép.
Do nắm bắt tốt kỹ thuật nuôi thâm canh nên với 2 ha ao cá, mỗi năm gia đình thu hơn 50 tấn cá thương phẩm, doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Phần lớn các mô hình sản xuất mới trên vùng đất trũng đều sản xuất, kinh doanh có lãi cao, nhiều nông dân hăng hái nhận ruộng trũng để chuyển đổi.
Đơn cử 2 mô hình chuyển đổi trên để thấy rằng, việc chuyển đổi diện tích đất canh tác, các loại cây trồng theo hướng phù hợp với lợi thế vùng và nhu cầu của thị trường đã và đang phát huy hiệu quả. Đây là việc làm quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu ngành Nông nghiệp và bước đầu chúng ta đã thực hiện khá thành công.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả Đề án tái cơ cấu
Năm 2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Ninh Bình vẫn tăng 2,1%, đáp ứng đúng mục tiêu của Đề án tái cơ cấu. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 97 triệu/1ha.
Những con số trên cho thấy chúng ta đang có những bước đi đúng hướng, đây chính là kết quả của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng, bền vững mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua.
Nét nổi bật sau 1 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu đó là nông dân đã bước đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế được tình trạng "được mùa, mất giá".
Đối với cây lúa, ngành bố trí thời vụ và cơ cấu giống để đảm bảo an toàn; từng bước chuyển dần sang sản xuất lúa chất lượng cao, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%. Chuyển dần những diện tích lúa vùng trũng, vùng cao không hiệu quả sang sản xuất mía, ngô, rau, cây làm thức ăn chăn nuôi và các loại cây màu khác.
Bên cạnh đó, đến nay các huyện, thành phố đều đã cơ bản hoàn thành DĐĐT. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành các cánh đồng mẫu lớn gắn với tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là trung tâm.
Ninh Bình cũng đã ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các quy trình nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn trong sản xuất nông sản được phổ biến và nhân rộng.
Trong chăn nuôi, cùng với quy hoạch, tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Lĩnh vực thủy sản cũng có đóng góp đáng kể.
Tại một số địa phương đã hình thành phong trào chuyển đổi diện tích canh tác lúa bấp bênh sang nuôi lúa-cá kết hợp, diện tích vùng chân đê cải tạo nuôi thâm canh một số đối tượng thủy sản có giá trị cao như cá trắm đen, chép lai, rô phi đơn tính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Những hạn chế và yếu kém đang bộc lộ cần được khắc phục trong thời gian tới như quá trình triển khai ở một số địa phương còn lúng túng.
Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân chưa nhiều. Sản phẩm chất lượng hàng nông sản chưa cao nên khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều, giống cây trồng, vật nuôi chưa được chuyển đổi mạnh mẽ…
Từ thực tế sau một năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho thấy, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu là thay đổi cách tiếp cận và nhận thức trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cách tiếp cận, tập quán sản xuất của bà con nông dân.
Do đó để Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giải pháp quan trọng hàng đầu phải là tuyên truyền, phổ biến tới tất cả các cơ quan, cũng như tới bà con nông dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để cán bộ cũng như bà con nông dân chia sẻ, tích cực tham gia thực hiện. Bên cạnh đó cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành.
Tại hội nghị thống nhất kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2016 diễn ra mới đây, các thành viên Ban chỉ đạo Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đều thống nhất rằng: thời gian tới, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần lựa chọn những việc chính, trọng tâm để triển khai nhằm tạo hiệu ứng, tác động tích cực cho cả quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Trong đó năm 2016 cần chú trọng cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND các huyện, thành phố phải khẩn trương rà soát, dựa vào thế mạnh của từng vùng, miền để xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương mình. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đa dạng hóa các hình thức liên kết, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh áp dụng KHCN và cơ giới hóa. Khuyến khích phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, như: lúa chất lượng, dê, thỏ, thủy sản vùng ruộng trũng và ven biển… Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực.
Hà Phương