Anh Bùi Văn Thảo, nông dân ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang (Hoa Lư) từng nhiều lần thất bại với mô hình nuôi dê trước khi biết và quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Anh Thảo kể lại: Từ năm 2008 gia đình tôi đã quyết định đầu tư nuôi dê lấy thịt với quy mô khoảng 40 con/năm. Chúng tôi khá tự tin vào quyết định này vì nó phát huy được lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, ngay cả khi dê phát triển tốt, chuẩn bị xuất bán thì xảy ra dịch bệnh, dê chết hàng loạt. Ban đầu tôi nghĩ đó là may-rủi. Cho đến cuối năm 2016, khi còn đang loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình, tôi được Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Hoa Lư tư vấn hỗ trợ để tôi và một số hộ nuôi dê khác xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi dê đủ điều kiện vệ sinh thú y. Khi tham gia mô hình, tôi được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn, chuyển giao giống dê Sanen,… Đến nay, đàn dê của gia đình tôi đã phát triển lên 100 con, được Chi cục Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y. Không dừng lại ở đó, các sản phẩm từ trang trại của anh Thảo đã và đang có mặt tại các gian hàng nông sản sạch nhờ sự hỗ trợ tạo điều kiện của Hội Nông dân tỉnh.
Được biết, hiện nay anh Thảo còn là Giám đốc của HTX chăn nuôi dê Ninh Bình với quy mô 2.000 con. HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh thịt dê đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thịt dê của HTX hiện nay giết mổ, đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn, được các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Ninh Bình tiêu thụ.
Câu chuyện của gia đình anh Thảo và HTX chăn nuôi dê Ninh Bình là một minh chứng rõ nét cho hướng đi mới trong chăn nuôi, đó là việc chú trọng đảm bảo vệ sinh thú y cũng như an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. ở đó cũng thấy được vai trò của các cấp Hội nông dân từ khâu tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Và đây chính là giải pháp mà các cấp hội đang triển khai để thực hiện tốt Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn". Các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã có những hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông rất phong phú như tổ chức hội nghị, sinh hoạt chi hội, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, quán triệt đề án, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Hội nông dân các cấp về an toàn thực phẩm… đến cán bộ, hội viên nông dân. Vận động nông dân ký cam kết và thực hiện cam kết "nói không với thực phẩm bẩn".
Trước đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng ban, thành lập tổ công tác triển khai xây dựng các mô hình. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo, tổ công tác họp đánh giá tiến độ triển khai các mô hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các cấp hội chủ động và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình "Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn", "Liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng", "Hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, "Cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn"… Sau đó đồng loạt triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như: tổ chức các lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, quy trình sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất rau an toàn, điều kiện đảm bảo chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; các thủ tục, điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn… Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm giúp hội viên nông dân trong tỉnh nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Nhờ đó ngoài việc xây dựng được 303 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, từ năm 2016 đến nay các cấp hội đã vận động thành lập được 6 HTX, 59 tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất thực phẩm.
Đặc biệt Hội đã thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin và công bố số điện thoại đường dây nóng để có được phản ánh của hội viên nông dân về những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm,… Từ năm 2016 đến nay, Hội đã tiếp nhận và phối hợp xử lý 38 tin báo vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc giám sát về các nội dung liên quan.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân, giúp người nông dân tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đào Duy