Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng và các đơn vị Pháo binh toàn quân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 14 cán bộ, chiến sĩ và 70 đơn vị được Nhà nước tuyên dương "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Năm 2006, Binh chủng Pháo binh được tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.
Trong thành tích chung của Binh chủng Pháo binh, có sự đóng góp của Đoàn 6 Pháo binh - Quân khu 9 (QK9) anh hùng. Vào đầu những năm 60, do yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường miền Tây Nam Bộ, được sự chi viện to lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyết định của Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam, ngày 23/11/1963, tại kênh Cán Gáo, xã Vĩnh Hòa, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), Đoàn 6 Pháo binh - QK9 được thành lập.
Đoàn 6 Pháo binh ra đời đã làm thay đổi cục diện chiến trường Miền Tây Nam Bộ, thực sự trở thành hỏa lực mặt đất chủ yếu chi viện có hiệu quả cho các đơn vị bộ binh của quân khu đánh chiếm, tiêu diệt đồn bốt địch, lập được nhiều chiến công vang dội. Từ ngày thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn 6 Pháo binh - QK9 đã tham gia 3.791 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, hàng trăm đồn bốt; bắn rơi hàng trăm máy bay, bắn chìm hàng trăm tàu chiến..., góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn 6 Pháo binh vô cùng tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1979, đất nước Campuchia ngập chìm trong nỗi đau tột cùng bởi họa diệt chủng mà chính quyền Khmer Đỏ gây nên. Trước những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pol Pot, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và giúp đỡ nhân dân Campuchia. Trong thời gian này, các đơn vị quân đội trong đó có Đoàn 6 Pháo binh nhận nhiệm vụ mới giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Với tinh thần: đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, thần tốc quyết thắng, chưa đầy 2 tuần lễ từ ngày 24/12/1978 đến 7/1/1979, toàn mặt trận đồng loạt nổ súng tiến công quân địch và lập nhiều chiến công.
Đầu năm 1979, trong chiến tranh biên giới phía Bắc, thực hiện công điện của Bộ Tổng tham mưu, 2/3 quân số của Đoàn 6 Pháo binh nhận lệnh ra làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc, một số đồng chí cán bộ chỉ huy Trung đoàn và cơ quan ở lại làm nòng cốt tiếp tục củng cố, biên chế, tổ chức làm nhiệm vụ chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc thần tốc hành quân về sân bay Đồng Bẩm - Thái Nguyên tiếp nhận vũ khí, khí tài, trang bị, nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức với phiên hiệu mới là Trung đoàn 455 Pháo binh. Sau đó, đơn vị hành quân về Hòa An - Cao Bằng, trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 8, sau này đổi tên thành Quân đoàn 26 - QK1.
Trung đoàn đảm nhiệm bảo vệ các mục tiêu trên toàn tuyến biên giới Cao Bằng tiếp giáp với Trung Quốc với chiều dài hàng trăm km, địa hình đồi núi hiểm trở, suối sâu, đèo cao, vực thẳm. Trong quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ trên quê hương cách mạng Cao Bằng, mỗi cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 455 pháo binh rất đỗi tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Đến năm 1989 do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 455 - QĐ26 được sát nhập vào Lữ đoàn 382 Pháo binh - QK1, kết thúc một chặng đường vẻ vang của Trung đoàn 455 Pháo binh làm nhiệm vụ trên tuyến biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân ngũ, nhiều cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 6 Pháo binh - QK9, Trung đoàn 455 Pháo binh - QĐ26 - QK1 lần lượt ra quân theo các hướng (nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành). Phát huy truyền thống vẻ vang của Trung đoàn, các cán bộ, chiến sĩ dù còn đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang hay đã trở về địa phương luôn phát huy truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Các đồng chí cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB, Hội Cựu Quân nhân, Hội đồng ngũ …
Bằng nhiều hoạt động cụ thể mang ý nghĩa sâu sắc như giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, các CCB của Đoàn pháo binh anh hùng thực sự trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo, có tín nhiệm với anh em, bà con, nhân dân nơi cư trú. Nhiều tổ chức hội truyền thống của 2 Trung đoàn ở các tỉnh được thành lập và hoạt động có nề nếp như: Nam Định, Bắc Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Cần Thơ, Bắc Ninh …
Hầu hết CCB của 2 đơn vị trở về đời thường đều có cuộc sống gia đình ổn định, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, một số đồng chí có ý chí vươn lên, phấn đấu không biết mệt mỏi, vượt qua nhiều khó khăn thử thách để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho xã hội.
Tại tỉnh Ninh Bình, Ban Liên lạc CCB E6 Pháo binh - QK9, E455 Pháo binh - QĐ 26 - QK1 được thành lập từ năm 1999. Trong những năm qua, Ban Liên lạc đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt Hội đồng ngũ 23/10/1976 xã Gia Vân, Hội đồng ngũ 14/10/1974 xã Liên Sơn - huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hoạt động có nề nếp, chất lượng và hiệu quả với nhiều hoạt động như: xây dựng được quỹ hội, giúp anh em vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, thăm hỏi, động viên, tặng quà mỗi khi gia đình anh em gặp khó khăn…
Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Binh chủng pháo binh là dịp để CCB của E6 Pháo binh - QK 9, E455 Pháo binh - QĐ 26 - QK1 ôn lại truyền thống vẻ vang của Trung đoàn, từ đó càng tăng thêm niềm tự hào, tiếp tục phấn đấu lao động, công tác, đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đại tá Đỗ Minh Đạo
(Ban Liên lạc CCB E6PB, E455PB - tỉnh Ninh Bình)