Huyện Nho Quan là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong sản xuất vụ mùa năm nay. Tình trạng nắng nóng kéo dài từ cuối tháng tư đã gây thiếu nước trên diện rộng của huyện, tập trung chủ yếu ở vùng bơm điện và vùng hồ. Các hồ nước đã phải xả nước tăng số lần tưới, cùng với sự bốc hơi do nắng nóng liên tục nên mực nước bị cạn kiệt và đều thấp hơn cùng kỳ năm 2014, có hồ đã xấp xỉ mực nước chết như hồ Đập Trời, Thường Xung, đập Thác La. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước phục vụ sản xuất đầu vụ mùa năm 2015 của huyện Nho Quan. Khắc phục khó khăn do thiếu nước, huyện Nho Quan phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCTTL tập trung tối đa phương tiện, máy móc và nhân lực bơm nước phục vụ nhân dân sản xuất.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát những diện tích nào không có khả năng lấy nước để cấy lúa thì chuyển đổi sang các cây trồng khác. Do ảnh hưởng của nắng nóng, thiếu nước sản xuất đầu vụ nên nhiều địa phương có diện tích gieo cấy vụ mùa giảm so với kế hoạch như Quảng Lạc, Sơn Hà...
Vụ mùa 2015, toàn huyện gieo cấy được 4.839 ha trên tổng số 5.600 ha kế hoạch. Ngoài ra, do tình trạng khô hạn ở đầu vụ mùa đã làm thời vụ của huyện Nho Quan bị chậm lại, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Mặc dù không đạt về diện tích và năng suất có giảm nhưng theo đánh giá của bà con nông dân và các địa phương, vụ mùa năm nay Nho Quan vẫn được mùa.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan, năng suất dự kiến toàn huyện ước đạt 47,6 tạ/ha, thấp hơn so với vụ mùa năm 2014 khoảng 1,1 tạ/ha và không có địa phương nào xảy ra tình trạng mất mùa riêng do sâu bệnh hay do thời tiết.
Cùng với Nho Quan, năm nay Yên Mô cũng là địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất vụ mùa. Tuy không có diện tích bị thiếu nước sản xuất phải chuyển đổi sang cây trồng khác như Nho Quan nhưng ở đầu vụ mùa, Yên Mô là một trong hai địa phương của tỉnh có khả năng thiếu nước do khô hạn, nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh có diễn biến phức tạp, nhất là sâu bệnh xuất hiện ở giai đoạn đòng già, trỗ bông, làm ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Yên Mô: Khác với mọi năm, vụ mùa năm nay sâu bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh rải rác, không tập trung, gây khó khăn rất nhiều trong công tác dự tính, dự báo và tổ chức phun trừ có hiệu quả. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện trong sản xuất nông nghiệp, công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa được triển khai tốt.
Kết quả sản xuất vụ mùa, toàn huyện đã gieo cấy được trên 6.800 ha lúa, trong đó có gần 1.900 ha được thực hiện bằng biện pháp gieo sạ. Nhìn chung, lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt 56,5 tạ/ha và là địa phương nằm trong tốp đầu về năng suất của tỉnh.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định Yên Mô đã giành thắng lợi trong sản xuất vụ mùa, đảm bảo ăn chắc, không bị ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh. Toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ mùa năm nay đã giành thắng lợi trong khó khăn. Toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 37.600 ha lúa, giảm 400 ha so với kế hoạch. Diện tích giảm chủ yếu là do chuyển đổi một số diện tích sang các cây trồng khác do nắng nóng, khô hạn kéo dài ở đầu vụ làm thiếu nước sản xuất.
Qua kết quả kiểm tra, đánh giá đồng ruộng, năng suất dự kiến toàn tỉnh sẽ giảm từ 0,5-0,7 tạ/ha so với năm trước. Còn theo báo cáo của các địa phương, năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 53,92 tạ/ha, giảm so với năm 2014 là 0,38 tạ/ha. Năng suất giảm do nhiều yếu tố như ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng nên đã rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa. Thời điểm lúa trỗ bông gặp mưa nhiều nên tỷ lệ lúa lép cao.
Nếu như những năm trước, lúa hay có hạt lép ở cuối bông thì năm nay hạt lép phân bố đều từ đầu bông đến cuối bông và tỷ lệ hạt lép cao hơn. Tình hình sâu bệnh có diễn biến phức tạp, diện tích lúa bị chuột phá hại tăng, nhất là giai đoạn phân hóa đòng, trỗ bông; sâu đục thân hai chấm, rầy các loại... phát sinh nhiều ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư...
Bên cạnh đó, mục tiêu sản xuất của tỉnh đưa ra là phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao nên năm nay diện tích lúa lai có năng suất cao giảm trên 1.000 ha so với vụ trước, do đó năng suất lúa bình quân chung bị giảm.
Có thể khẳng định, vụ mùa năm nay đã giành thắng lợi, không có đơn vị nào bị mất mùa riêng. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thu hoạch đạt trên 80% diện tích lúa, đảm bảo ăn chắc, hiệu quả như: Yên Mô, Gia Viễn, Yên Khánh...
Hồng Giang