Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh thì hiện nay các đối tượng dịch hại trên các cây trồng nói chung và cây trồng vụ đông nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt chuột trên đồng còn rất lớn là nguy cơ gây hại nặng ở vụ đông năm 2015 nếu không có biện pháp phòng trừ tốt. Tại cánh đồng Ao Vườn Cáo, Vườn Vãi, Chùa Trà… (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô), nông dân đang tập trung xuống giống các cây trồng vụ đông. Bà Ngô Thị Hạ, xóm 2, Vân Hạ cho biết: ở vụ đông, gia đình tôi trồng 3 sào lạc và ngô.
Tuy nhiên, do vụ đông hiếm thức ăn nên những vùng trồng màu như ở đây chuột dồn về phá hoại nhiều. HTX có đứng lên tổ chức diệt nhưng gia đình cũng phải chủ động đặt bẫy, bả thêm mới hạn chế được phần nào thiệt hại.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vân Trà cho biết, vụ đông này HTX sẽ gieo trồng 69 ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó lạc 9 ha, ngô 9 ha, bí 2 ha, khoai lang 10 ha, khoai tây 5 ha, rau đậu các loại 34 ha. Hiện bà con đã xuống giống được 40 ha.
Theo kinh nghiệm nhiều năm nay thì vụ đông sâu bệnh hại không nhiều nhưng chuột hại thì tương đối lớn, do vậy HTX đã lên kế hoạch ngâm ủ mồi để giao cho các đội sản xuất đi đặt tại ruộng.
Theo Chi cục BVTV tỉnh, vụ đông năm 2014, toàn tỉnh gieo trồng trên 11.600 ha cây trồng, trong đó có trên 700 ha bị nhiễm các đối tượng dịch hại.
Diện tích nhiễm nặng là 40 ha. Cụ thể như tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, hàng chục ha đậu tương bị sâu đục thân, bệnh sương mai gây hại, cá biệt có nơi tỷ lệ hại lên tới 15-20% số quả, số lá trên cây.
Trên cây khoai tây, bệnh xoăn lá virus cũng khá phổ biến, đặc biệt ở thôn Tiền Phong, xã Khánh Tiên (Yên Khánh) có 7 ha khoai tây bị nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây.
Hiện nay, các đối tượng dịch hại trên các cây trồng nói chung và cây trồng vụ đông nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt chuột trên đồng còn rất lớn là nguy cơ gây hại nặng ở vụ đông năm 2015 nếu không có biện pháp phòng trừ tốt.
Để đề phòng tình hình sâu bệnh diễn biến bất thường trong vụ đông năm nay, Chi cục BVTV tỉnh đã cử các cán bộ kỹ thuật xuống phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại.
Tập trung vào các đối tượng chính như: dòi đục thân, sâu khoang, sâu cuốn lá, trên cây đậu tương, cây lạc; sâu tơ, sâu xanh trên cây rau; bệnh xoăn lá virus, bệnh mốc sương trên khoai tây... Tiếp tục duy trì hoạt động của hệ thống bẫy đèn, thường xuyên giám định mẫu rầy vào đèn, mẫu lúa để tham mưu các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên cây ngô. Đối với chuột hại, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương diệt chuột theo Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 2-10-2014.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên cây rau, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, huấn luyện nông dân sản xuất rau an toàn theo hướng GAP. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ các đối tượng dịch hại kịp thời trên các phương tiện thông tin.
Bài, ảnh: Hà Phương