Cùng với những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, thâm canh cây lúa, nên năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh và ở các huyện thị thành phố không ngừng tăng lên qua các vụ và qua các năm. Năm 2001 ( sau 10 năm tái lập tỉnh), năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh cả năm là 10,58 tấn/ha, đã gấp 2 lần so với năm 1991 (năm trước khi tái lập tỉnh); Sản lượng lương thực đạt gần 460.000 tấn, tăng 2,3 lần so với năm 1991; Bình quân lương thực đầu người đạt 504 kg. Đến năm 2010, thì tổng diện tích gieo cấy lúa trong năm của cả tỉnh đạt trên 81.000 ha (có 21,6 ngàn ha lúa cao sản và 19,7 ngàn ha lúa chất lượng cao). Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 51,4 vạn tấn, tăng 1,1 vạn tấn so với năm 2009. Như vậy chỉ sau một thời gian ngắn, từ khi tái lập tỉnh, sản xuất lương thực của tỉnh nhà đã có những bước tiến rõ riệt: cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa có sự chuyển biến tích cực; năng suất, sản lượng lúa liên tục tăng; bình quân lương thực đầu người được nâng lên.
Hiện nay đã xuất hiện nhiều hộ, gia đình nông dân hướng đến sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thu nhập lớn. Trong nhiều năm gần đây, ở lĩnh vực sản xuất lương thực đã có những đơn vị và hộ gia đình đi đầu trong việc gieo cấy lúa chất lượng cao mà cụ thể là gieo cấy các giống: Dự, Tám, Nếp, LT2, Bắc thơm số 7… Huyện Kim Sơn là địa phương luôn có nhiều diện tích lúa Tám, Dự, Nếp… được cấy chủ yếu ở vụ mùa; Yên Mô mỗi vụ thường có từ 20-25% diện tích gieo cấy là các giống lúa chất lượng cao ( LT2, Bắc Thơm số7…). Ở quy mô xã, HTX có: HTX Vĩnh Yên, Liên Phương (Yên Nhân-Yên Mô), trong các vụ sản xuất qua đã tích cực đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy với gần 100% diện tích; HTX Hợp Tiến ( Khánh Nhạc-Yên Khánh) cũng có diện tích lúa chất lượng cao tương tự… Nhiều HTX khác đều có diện tích lúa chất lượng cao chiếm từ 15-25% tổng diện tích gieo cấy và đây là hướng đi trong tương lai của các HTX và hộ gia đình nông dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, toàn tỉnh gieo cấy được 19.702 ha lúa chất lượng cao (vụ đông xuân 8.577,6 ha, vụ mùa 11.124,4 ha). Mặc dù năng suất lúa chất lượng cao thấp hơn so với lúa cao sản, nhưng bù lại giá bán lúa thương phẩm lại cao gấp 1,5 đến 2 lần so với lúa thường. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Ninh Khang-Hoa Lư) cho biết: Giá 1kg lúa chất lượng cao (LT2, Bắc thơm số 7, Hương Thơm số 1) trên thị trường hiện tại từ 10.000-11.000 đồng, trong khi đó giá 1kg lúa cao sản (Các giống lúa lai) chỉ từ 7.000-7.500 đồng. Hơn nữa giá 1kg giống lúa chất lượng cao lại rẻ hơn nhiều so với giống lúa cao sản (giống lúa cao sản là những giống lúa lai nhập ngoại, giá giống đắt), giống lúa chất lượng cao lại dễ kiếm; trong khi đó chi phí cho phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa chất lượng cao đỡ tốn kém hơn…Do vậy, hiệu quả kinh tế của việc sản xuất lúa chất lượng cao lớn hơn nhiều so việc sản xuất lúa cao sản. Theo tính toán của ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Khánh thì: 1 ha lúa chất lượng cao cho lãi khoảng trên 15 triệu đồng; trong khi đó cũng ở diện tích như vậy 1ha lúa cao sản chỉ cho lãi khoảng 4,5 triệu đồng
Nắm bắt được tình hình trên, theo đề nghị của các cơ quan chuyên môn, các HTX và nguyện vọng của đông đảo nông dân, ngày 19/6/2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 628/QĐ-UBND về việc bổ sung các giống lúa chất lượng cao( LT2, Bắc thơm số 7) vào bộ giống lúa trong khuôn khổ dự án "Sản xuất lúa cao sản", nhằm hỗ trợ cho nông dân sản xuất lúa chất lượng cao. Đây là sự điều chỉnh kịp thời, cần thiết trước yêu cầu thực tiễn của sản xuất.
Tuy nhiên, đối với cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, thì vấn đề năng suất thường đối nghịch với chất lượng. Nghĩa là: năng suất cao thì thường chất lượng thấp và ngược lại. Mặt khác, phát triển quá nhiều lúa chất lượng cao dễ dẫn tới tình trạng chèn ép giá gây bất lợi cho người nông dân, mà lại tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh lương thực; ngược lại chỉ phát triển lúa cao sản thì giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế không cao.
Do vậy để đảm bảo vững chắc chắn về an ninh lương thực và sản xuất lúa có hiệu quả; thì việc gieo cấy giống lúa nào, chất lượng cao hay năng suất cao, diện tích từng loại là bao nhiêu… tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, tập quán canh tác ở nơi đó để quyết định, sao cho vừa có hiệu quả kinh tế lại đảm bảo được an ninh lương thực.
Đinh Chúc