Tại Khu công nghiệp Khánh Phú vào thời điểm này, những dãy nhà xưởng chạy dài đủ các màu sắc của Nhà máy kính Tràng An, Công ty TNHH dệt may Nien Hsing và ống khói xưởng nhiệt điện, tháp tạo hạt urê của Nhà máy phân đạm vươn cao đã tạo nên diện mạo của một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh. Một trong những doanh nghiệp đầu tiên đi vào sản xuất là Công ty TNHH dệt may Nien Hsing có 100% vốn nước ngoài, với tổng mức đầu tư 477 tỷ đồng, công suất 24 triệu sản phẩm/năm. Cuối năm 2009, dây chuyền 1 của Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Italia, Hà Lan… Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt trên 2 triệu USD. Không khí lao động nhộn nhịp và tấp nập hơn là tại Công ty TNHH cán thép Tam Điệp, những mẻ thép đầu tiên của năm Tân Mão đã ra lò, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo cho sự bền vững của các công trình xây dựng. Năm 2010, Công ty đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn thép, doanh thu đạt trên 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 260 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, ngay từ những ngày đầu năm, Công ty đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí… phấn đấu đạt trên 216 nghìn tấn sản phẩm, doanh thu đạt 8.160 tỷ đồng, nộp thuế đầy đủ và đảm bảo thu nhập, đời sống cho 300 lao động và tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm thép Pomihoa trên thị trường.
Vận hành băng chuyền tại cảng Ninh Phúc.
Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Nhiều giải pháp huy động các nguồn lực, tập trung phát triển những sản phẩm có ưu thế được thực hiện có hiệu quả. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó sản xuất xi măng, thép cán là những sản phẩm chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn. Trong giai đoạn 2006-2010, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. Riêng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.860 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2009 và tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Trong giai đoạn 2006- 2010 đã thực hiện hỗ trợ 107 dự án, đề án, chương trình đào tạo nghề, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học vào sản xuất và đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng số tiền hỗ trợ trên 10 tỷ đồng, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động. Chương trình khuyến công đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp đào tạo nghề để tạo thêm nguồn nhân lực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiêp và chương trình hỗ trợ của khuyến công, tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp, như: Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Tam Điệp, Khu công nghiệp Khánh Cư, Khu công nghiệp Phúc Sơn đang được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động với 66 dự án, tổng diện tích đất là 1.361 ha, tổng số vốn đầu tư là 28.720 tỷ đồng. Về cụm công nghiệp, hiện tại toàn tỉnh có 17 cụm công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích trên 506 ha, trong đó 9 cụm công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút 53 dự án đăng ký đầu tư. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5- 3 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2011, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh ta tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm công nghiệp tạo ra giá trị lớn, sử dụng nhiều lao động và phục vụ xuất khẩu. Tăng cường thu hút vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích đầu tư vào các dự án thủ công mỹ nghệ, công nghệ cao, công nghệ sạch, các dự án có lợi thế về thị trường và mở rộng sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn. Năm 2011, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.277 tỷ đồng.
Thanh Chiên