Năm qua, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên bức tranh công nghiệp của Ninh Bình vẫn có nhiều gam màu sáng, cho chúng ta những tín hiểu khả quan về hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp bền vững. Song những khó khăn trong thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi có những chiến lược bài bản, chính sách đột phá để có thể tự chủ trong mọi tình huống.
Sản xuất công nghiệp: Những gam màu sáng
Bức tranh công nghiệp
Năm 2021 tiếp tục là năm vượt khó của cả nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện "mục tiêu kép" trong phát triển kinh tế - xã hội, đến nay tình hình dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt, nền kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 6,9% so với năm 2020. Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng khá như: xe ô tô chở hàng hóa tăng gấp gần 2,5 lần; đạm tăng 45,1%; modul camera tăng 66,7%; cần gạt nước ô tô tăng 31,8%; quần áo các loại tăng 31,2%; giày dép các loại tăng 26,8%... Sự tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp là cơ sở quan trọng để tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 2,96 tỷ USD, tăng 9,8%, vượt 23,6% kế hoạch năm.
Nhận định về kết quả này, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Trong điều kiện khó khăn như 2 năm vừa qua việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính là sự kiểm định tốt nhất đối với các chính sách phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh.
Đồng thời thể hiện sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt qua dịch bệnh, ổn định sản xuất, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty may Đài Loan (KCN Gián Khẩu). Ảnh: M.Q
Cần có giải pháp đột phá
Thực tế cho thấy phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo sẽ ngày càng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Theo đồng chí Hoàng Trung Kiên, mục tiêu quan trọng nhất lúc này chính là thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh cũng đã xác định phải tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết trong nước để phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử… theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác như hiện nay.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài.
Ông Hà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ninh Bình cho rằng: Để tái cơ cấu ngành công nghiệp thì bước đi đầu tiên của doanh nghiệp chính là ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, đổi mới, nâng cấp không chỉ quy trình sản xuất mà là sự vận hành của cả doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn hội nhập vào nền kinh tế công nghiệp 4.0 thì không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số. Thực tế chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng tất yếu để doanh nghiệp thực sự đứng vững trước thị trường nhiều biến động như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn đã đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng mới và nâng tầm thương hiệu, tận dụng cơ hội từ Chính phủ điện tử.
Hướng tới mục tiêu tự chủ trong sản xuất công nghiệp, tỉnh Ninh Bình cũng đã chuẩn bị những bước đi bài bản. Trong đó, xác định quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 06NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tập trung hoàn thiện quy hoạch, huy động nguồn lực, sớm xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Trong năm 2022, tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng thêm 30 ha Khu công nghiệp Gián Khẩu để phục vụ thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ các ngành sản xuất trên.
Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy gắn với thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và có đóng góp ngân sách lớn.