Nhiều thách thức Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, El Nino năm 2015 có cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998, song là đợt El Nino dài nhất trong vòng 50 năm gần đây, 90% khả năng sẽ kéo dài đến hết vụ đông xuân 2015-2016. Mặc dù là gần cuối chu kỳ, nhưng El Nino sẽ tiếp tục với những tác động như: Nền nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm, rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN. Như vậy, dự báo tình hình thời tiết vụ đông xuân tới ở miền Bắc là: ấm rõ rệt đầu vụ; hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước gay gắt xảy ra ở nhiều vùng.
Ông Lã Quốc Tuấn, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp &PTNT) cho biết: Một trong những nguy cơ đến từ vụ đông xuân ấm là lúa sau cấy bén rễ, hồi xanh nhanh, đẻ nhánh ngay. Do đó, có khả năng trỗ sớm, lệch khỏi ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nhiệt độ cao cũng khiến các cây trồng rút ngắn thời gian sinh trưởng tức là thời gian tích lũy giảm, làm giảm chất lượng nông sản.
Còn theo lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh: Vụ Đông xuân ấm chắc chắn tình hình sâu bệnh sẽ có diễn biến phức tạp hơn. Thành phần dịch hại lúa có thể không thay đổi nhưng phát sinh sớm hơn và một số dịch hại chính phát sinh cao hơn TBNN.
Chủ động các biện pháp ứng phó
Vụ đông xuân ấm sẽ khó khăn hơn, do vậy ngành Nông nghiệp đã sớm có kế hoạch, đề án sản xuất cụ thể trên cơ sở "tiên lượng" trước những tình huống xấu, tình huống không thuận lợi. Kinh nghiệm thực tế cho thấy: Vụ đông xuân 2014-2015, mặc dù cũng là một vụ sản xuất ấm với nhiều khó khăn do nắng nóng, hạn hán nhưng nhờ bám sát thực tiễn sản xuất, dự báo đúng tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chỉ đạo tập trung, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu trà lúa, giống lúa, các biện pháp ứng phó với các biến động của thời tiết, các đối tượng sâu bệnh hại nên vẫn là một vụ sản xuất thắng lợi với năng suất và sản lượng nhiều cây trồng cao hơn so với vụ đông xuân 2013-2014, năng suất lúa đạt 65,98 tạ/ha (cao hơn 0,16 tạ/ha so với đông xuân 2013-2014).
Ông Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp &PTNT) chia sẻ: Kinh nghiệm sâu sắc đúc rút từ nhiều năm chỉ đạo là phải dự báo sớm, chỉ đạo sớm, quyết liệt, sâu sắc để cả hệ thống chính trị nhận thức được và vào cuộc cùng ngành nông nghiệp. Thực tế, năm nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch sản xuất từ rất sớm, sát với tình hình thực tế của từng đơn vị. Nhìn chung, trong cơ cấu giống, Sở Nông nghiệp & PTNT tập trung chỉ đạo sử dụng các giống ngắn ngày. Vùng ngoài đê, vùng trũng, vùng lúa cá (Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô) sử dụng các giống lúa lai với mục tiêu nhằm ổn định năng suất và tăng khả năng chống chịu. Riêng với vùng đồng bằng (Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn) sử dụng các giống lúa thuần, chất lượng, ngắn ngày như LT2, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8… và một số giống mới đã có khảo nghiệm và đạt kết quả tốt. Đối với những vùng đất cao, cấy lúa không có khả năng điều tiết nước thì yêu cầu chủ động chuyển đổi sang các cây trồng khác như ngô, rau đậu các loại. Về phương thức gieo cấy, vụ ấm cần phát triển mạnh hình thức gieo thẳng, làm mạ nền cứng, mạ khay để giảm chi phí và tập trung trong khung thời vụ tốt nhất. Trong khâu chăm sóc và bón phân, nguyên tắc chung vẫn phải là bón phân cân đối và tập trung, bón sớm, bón nặng đầu, nhẹ cuối. Tránh việc sử dụng quá nhiều phân đạm, làm cây trồng giảm khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết, phát sinh nhiều sâu bệnh, tăng chi phí, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản cũng như môi trường sinh thái.
Lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Vụ đông xuân ấm diễn biến sâu bệnh tiên lượng sẽ phức tạp, bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh ngay từ sớm, giai đoạn mạ và lúa đẻ nhánh, sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại, do ấm sẽ không ngủ đông hoặc ngủ đông ngắn, vòng đời nhanh hơn, nguồn thức ăn lại dồi dào sẽ là cơ hội cho phát sinh thành dịch. Vì vậy, Chi cục sẽ tăng cường cán bộ kỹ thuật khuyến nông, bảo vệ thực vật, bám sát đồng ruộng cùng bà con nông dân phát hiện nhanh, kịp thời và khoanh vùng, diệt gọn không để nguồn sâu bệnh phát tán gây hại.
Vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng trên 51 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là 41 nghìn ha, năng suất phấn đấu đạt 66 tạ/ha, sản lượng trên 270 nghìn tấn. Đến thời điểm này, trà xuân sớm bà con đã bắt đầu cấy, trà xuân muộn đang chuẩn bị gieo mạ. Hiện, Chi cục Thủy lợi đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh bám sát lịch xả nước của Tổng công ty điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch lấy nước cho phù hợp. Tu sửa hệ thống máy móc, nạo vét kênh mương, tính toán trữ nước đệm suốt vụ phục vụ đổ ải, làm đất, gieo cấy và cả tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, trổ bông. Hầu hết, các địa phương cũng đang tập trung nhân lực cho khâu làm đất, lấy nước.
Tin rằng, với sự chủ động trong chỉ đạo và các giải pháp đúng đắn đang được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai sẽ mang đến một vụ đông xuân ấm thắng lợi nữa cho nông dân Ninh Bình.
Hà Phương