Ngay sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella năm 2014-2015, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn trong huyện. Qua khảo sát, thống kê dự kiến trên địa bàn huyện có 32.989 trẻ em từ 1- 14 tuổi. Để đảm bảo 100% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng, tránh bỏ sót đối tượng, dưới sự giám sát của cán bộ y tế tuyến huyện và tỉnh, cán bộ trạm y tế xã, thị trấn, nhân viên y tế thôn, bản, giáo viên chủ nhiệm lớp học đã thực hiện điều tra, giám sát để lên danh sách trẻ theo năm tuổi, theo lớp, năm sinh, trẻ vãng lai tại địa phương…
Tại tuyến xã, các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai và phân công nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức để làm nổi bật mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cần thiết phải đưa con em đi tiêm chủng, lợi ích của việc tiêm chủng… đối với các cấp, các ngành, nhất là các bậc phụ huynh. Đối với điểm tiêm chủng tại trạm y tế, công tác chuẩn bị cho triển khai chiến dịch có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, đối với điểm tiêm tại các trường học, việc chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị được ngành Y tế huyện và các nhà trường phối hợp thực hiện, có sự kiểm tra trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch.
Để đảm bảo an toàn cho việc tiêm chủng, huyện Nho Quan kiên quyết đình chỉ những điểm tiêm chủng không đảm bảo yêu cầu theo quy định, xây dựng phương án tiêm chủng bổ sung để tạo điều kiện cho những địa phương không đảm bảo số điểm tiêm chủng và tiến độ tiêm chủng theo kế hoạch. Phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng, huyện cũng chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc, trang thiết bị thiết yếu, sẵn sàng cơ động hỗ trợ các điểm tiêm, xử lý kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Cùng với công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hiện nay các ngành, đoàn thể của huyện cũng vào cuộc, phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh, hội viên, đoàn viên hưởng ứng chiến dịch, đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.
Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là từ đầu năm đến nay khi dịch sởi bùng phát ở một số địa phương trong cả nước, Ninh Bình đã triển khai hiệu quả việc khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trong nhiều giải pháp khống chế dịch bệnh, tiêm phòng được đánh giá là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh sởi. Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, do ảnh hưởng tâm lý bởi một số trường hợp tai biến sau tiêm ở các địa phương khác… nên nhiều gia đình không đưa con em đi tiêm chủng nên kết quả đợt tiêm vắc xin sởi đợt đầu năm 2014 chưa cao.
Với quyết tâm nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng để phòng, chống bệnh sởi và các biến chứng từ sởi, ngành Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác tiêm chủng. Đặc biệt, trước tình hình dịch sởi bùng phát ở một số thành phố lớn trong cả nước với các ca tử vong do sởi đã làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của nhiều gia đình. Do đó, kết thúc chiến dịch tiêm vắc xin sởi, toàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 95%.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai tiêm vắc xin sởi thời gian qua, để chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella năm 2014- 2015 quy mô toàn tỉnh đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương, các ngành có liên quan. Với chức năng được giao, ngành Y tế đã tập trung triển khai các nội dung công việc thuộc lĩnh vực y tế. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, tuyến huyện, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS về việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin, thực hiện tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc, giám sát phản ứng sau tiêm, thống kê báo cáo.
Tại các điểm tiêm chủng, ngành Y tế đã bố trí 4 cán bộ y tế, trong đó có ít nhất 2 nhân viên y tế được tập huấn sàng lọc, tiêm vắc xin, huy động thêm nhân viên y tế thôn, bản, giáo viên các nhà trường có học sinh đến tiêm. Mỗi buổi tiêm theo quy định không quá 200 đối tượng/ngày. Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Ngành Y tế đã giao các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Sản-Nhi, Trung tâm Y tế thành phố chuẩn bị mỗi đơn vị 1 tổ cấp cứu phục vụ tiêm chủng với đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, bác sỹ, điều dưỡng, sẵn sàng cơ động hỗ trợ các điểm tiêm trên địa bàn khi có yêu cầu.
Với tổng số 198.876 trẻ ở độ tuổi từ 1-14 tuổi, toàn tỉnh phấn đấu 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng để phòng, chống bệnh sởi-rubella. Để tạo điều kiện cho trẻ ở vùng sâu, xa địa bàn đi lại khó khăn, các địa phương đã thực hiện điều tra, rà soát từng hộ gia đình ở các khu nhà trọ, bến thuyền, vùng giáp ranh, nương rẫy… để lập danh sách, tránh trường hợp bỏ sót khiến trẻ không được tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu