Loạn thị trường sâm Trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều những cửa hàng bán sâm đủ chủng loại, chủ yếu là sâm Hàn Quốc với những biển hiệu trang trí đẹp mắt, những gói sâm, rượu sâm đủ mà sắc, đa dạng về kích thước, chủng loại. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá sâm Hàn Quốc thường nằm trong khoảng từ 2-5 triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ và số năm tuổi của sâm. Giá sâm tươi Hàn Quốc rẻ nhất vào khoảng 1,8 triệu đồng cho sâm 12 củ/kg, giá sâm tươi đắt nhất sẽ vào khoảng từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng cho sâm 3 củ/ kg. Các loại hồng sâm, cao hồng sâm thường rơi vào từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng tùy từng loại chất lượng sản phẩm. Trong vai một người có nhu cầu sử dụng sâm, tôi tìm đến một cơ sở bán sâm tươi nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Thành phố Ninh Bình), người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu nhiều sản phẩm nhân sâm có tác dụng tốt cho trí não, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Trái ngược với sự "sốt sắng" mời chào các loại nhân sâm, khi tôi đề nghị được xem giấy tờ chứng mình nguồn gốc của sâm, chủ cửa hàng tìm mọi cách thoái thác "Đây là hàng xách tay chuẩn, làm gì có giấy tờ, con chị đang làm bên Hàn Quốc trực tiếp mang về chứ mua ngoài thị trường toàn sâm đểu thôi..." Điều đáng nói, tại đây hầu hết các sản phẩm nhân sâm ngoài những dòng chữ mô tả về công dụng, trọng lượng, thành phần, thì không có bất kỳ tem hay nhãn mác nào, chứng tỏ đã có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng.
Nhưng hiện nay, giá sâm ngày càng phá giá khi số người có nhu cầu sử dụng càng tăng cộng với việc hàng thật giả lẫn lộn đã khiến tâm lý khách mua ngày một hoang mang, khi đi mua sâm như đi vào mê cung không biết đường nào đúng, đường nào sai. Ông Nguyễn Văn B. (xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình) kể lại, cách đây 1 năm ông có mua một hộp sâm Hàn Quốc giá 6,2 triệu đồng với hy vọng giúp cho sức khỏe ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng không mang lại hiệu quả như ý muốn, tham khảo một người bạn làm nghề y ông mới tá hỏa mình đang sử dụng xác củ sâm, không hề có hoạt chất nào trong đó.
Tùy thuộc vào độ tuổi mà những nhà kinh doanh sâm tươi sẽ định giá cho sản phẩm của mình. Những loại sâm 6-7 tuổi, các hoạt chất tích trữ đầy đủ nhất luôn được chào bán với giá cao nhất. Tuy nhiên, ở mỗi cơ sở, mỗi đơn vị buôn bán lại đưa ra các mức giá khác nhau. Tại cửa hàng kinh doanh sâm Hàn Quốc trên đường Vân Giang (Thành phố Ninh Bình), loại sâm 6 năm (8 củ/1kg) bán với giá "ưu đãi" 1.650.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại cửa hàng tại phường Tân Thành, chủ của hàng lại khẳng định "chắc nịch": "Sâm xịn thực sự rất đắt. Nếu bán với giá trên 1 triệu hoặc thậm chí 2,5 đến 2,8 triệu đồng/kg, cửa hàng anh không thể nào có lãi".
Trên một số trang rao vặt trên mạng xã hội cũng rao bán loại nhân sâm tươi 6 tuổi, giá tùy thuộc vào trọng lượng của củ: Loại 4 củ/kg có giá 3.950.000 đồng/kg, loại 6 củ/kg: 3.100.000 đồng/kg, loại 7 - 8 củ/kg có giá mềm hơn: 2.500.000 đồng/kg. Trang rao vặt này còn không quên kèm theo một lời nhắn nhủ, lưu ý khiến không ít người tỏ ra nghi vấn về chất lượng của sâm tươi mà các cửa hàng trên thị trường đang bày bán: "Sâm và linh chi có rất nhiều hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng, bên mình có người Hàn Quốc mang về trực tiếp nên về chất lượng hoàn toàn yên tâm là hàng Hàn Quốc "xịn", chất lượng đảm bảo, nếu quý khách muốn mua loại rẻ hơn cũng có". Tuy nhiên, khi hỏi về việc cam kết, đảm bảo chất lượng của sâm tươi được thực hiện như thế nào, phần lớn các chủ buôn bán đều cho rằng: "Khách hàng tin tưởng hoàn toàn chứ không yêu cầu gì hơn… Hàng đó như rau, củ, quả, xách về qua tiếp viên thì làm sao có giấy tờ được".
Hãy là người tiêu dùng thông thái
"Cần phải hiểu rằng nhân sâm tươi tốt hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta đưa vào cơ thể như thế nào"- Lương y Lê Hữu Tố (Hội Đông y tỉnh) khẳng định. Đồng thời ông khẳng định không có nguồn nhân sâm tươi ở Việt Nam mà chỉ có ở các vùng lạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc… Thông thường người bán sâm lâu năm sẽ dựa vào đổ tuổi của sâm để định giá. Tuy nhiên với người mua, rất khó để xác định vì cũng rất ít khi mua sâm và kiến thức không sâu về sâm. Song với tâm lý sợ hàng giả, người mua sâm tươi sau đó ngâm rượu để sử dụng. Lương y Lê Hữu Tố khuyên người tiêu dùng hãy tìm hiểu các cách chế biến sâm sao cho hiệu quả trước khi đi mua sâm để tránh mua phải hàng giả, hay bị các cửa hàng bán sâm qua mắt. Nếu dùng sâm không đúng chỉ định có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn. Ví dụ như những trường hợp bị bệnh thực chứng (cấp tính) như cảm sốt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực... thì không nên dùng.
Hiện nay, đa số các loại sâm được bày bán trên thị trường đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên rất khó đánh giá được chất lượng. Chưa kể tới, những loại sâm đã bị rút ruột, hoàn toàn không có chất lượng, chỉ được làm đẹp lại bằng cách ướp tinh dầu nhân tạo và các hóa chất, hoặc sử dụng những loại sâm giả dùng để ngụy tạo, thay thế sâm thật.
Ông Tố nhấn mạnh: Ngay cả những người có nghiệp vụ về dược liệu đôi khi cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Vì thế, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi chọn mua nhân sâm, tốt nhất là phải chọn mua đúng thương hiệu, những nơi có thể tin tưởng được để tránh nhầm lẫn về giá thành. Khi muốn dùng sâm, tốt nhất là mua những sản phẩm có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng hoặc ở nơi có thể xác định xuất xứ của sản phẩm để tránh nhầm lẫn, tiền mất tật mang.
Bài, ảnh: Đức Quỳnh