Rượu thuốc bổ... ngửa!
Hiện nay, rượu thuốc là đồ uống không thể thiếu tại các nhà hàng, quán nhậu. Các bình rượu thuốc to, cao, ngâm đủ các loại động, thực vật, được chủ nhà hàng trưng bày trông rất bắt mắt như: rượu tắc kè, chuối hột, rắn, bìm bịp, Minh Mạng thang, ngọc dương, rượu tiến vua... ấn tượng hơn, bên ngoài các bình rượu thuốc được dán các nhãn mác bằng giấy xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng với các hàng chữ "tàu, ta" lẫn lộn, có nội dung chữa được nhiều bệnh, nhưng... tuyệt nhiên lại không hề ghi xuất xứ hay địa chỉ cụ thể.
Trong số các loại rượu thuốc, loại được ưa thích nhất là rượu "trị" được các bệnh có liên quan đến vấn đề "sinh lý", với những câu "chào hàng" rất kêu, nào là: "Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử!" hay "Ông uống, bà... khen"... Theo thày thuốc ưu tú, bác sỹ chuyên khoa I Lê Xuân Tố (Hội Đông y tỉnh), thì tùy theo loại, rượu thuốc có thể chữa được các bệnh có liên quan đến xương khớp, sinh lý, đau nhức, cụ thể: Rượu tắc kè có khả năng chữa bệnh suyễn, bổ phổi, thận, tráng dương. Rượu rắn chữa tê thấp, đau nhức xương khớp, gân cơ... Rượu chuối hột chữa sỏi thận, sỏi bàng quang. Rượu bìm bịp chữa liệt dương, hen suyễn ...
Nhưng bác sĩ Nguyễn Phú Thịnh, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Viện Quân y 5 thì cho rằng: Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học chính thức nào mang tính thuyết phục, chứng tỏ là các loại rượu thuốc phổ biến hiện nay chữa được nhiều bệnh. Rượu thuốc chỉ là các bài thuốc Nam, được lưu truyền trong dân gian và cũng chưa có công trình khoa học nào kiểm chứng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ có tình trạng các loại rượu thuốc tại các nhà hàng, quán nhậu không ghi nơi sản xuất, thành phần dược liệu, nhãn hiệu là do phần lớn được các chủ quán... tự "sản xuất"! Anh B., chủ một nhà hàng có tiếng ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình đã có lần "khoe" với chúng tôi: Rượu thuốc tại quán tôi rất bảo đảm, do tôi tự pha chế. Rượu ngâm thuốc phải là rượu "ngon", có nồng độ cao thì thảo dược mới ra hết và thịt rắn, bìm bịp, ngọc dương, tắc kè không bị thối.
- Để làm ra một bình rượu rắn khoảng 10 lít, phải tốn bao nhiêu tiền, tôi hỏi.
- Còn tùy theo rượu tam xà hay ngũ xà và các vị thuốc ngâm kèm theo nhưng trung bình cũng phải mất từ 7 đến 10 triệu một bình.
- Vậy anh bán ra mỗi chai nhỏ như ở nhà hàng mình thì bao nhiêu một chai mới có lãi?
- Cũng còn tùy theo nước lần một, nước hai, nước ba đến nước thứ "n", giá từ 100 đến 200.000/chai. Mà phải phụ thuộc vào khách nữa. Những khách Vip thường không câu nệ giá cả nhiều, miễn là ngon, bổ, hiệu quả là lần sau họ lại gọi tiếp loại ấy
- Khi bình rượu rắn ngâm đến nước thứ... "n" thì rắn hay bìm bịp chỉ còn là cái xác không... mùi à? Khi nghe tôi nói vậy, anh B. cười: Đã kinh doanh nhà hàng phải có nghệ thuật chứ...
Phải thừa nhận rằng, các bình rượu thuốc được trưng bày trong các quán rất dễ thu hút. Nhưng anh T (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình), một người khá sành điệu về rượu thuốc thì cho rằng: Rượu thuốc tại các hàng quán bây giờ đa số là rượu "pha", nguyên liệu thảo dược, rắn, tắc kè... rất đắt. Nếu bán chỉ trên dưới 100 nghìn đồng một chai thì lấy đâu ra lãi? Nhưng dù giá như thế thì cũng khó mà tin được đó là rượu xịn.
Tại một quán nhậu khá nổi tiếng ở phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, chúng tôi quan sát được phía hiên sau của quán có 5 can nhựa 10 lít chứa rượu pha sẵn đã vơi bớt, có màu vàng vàng, đen đen mà không hề có ghi chú là rượu gì. Đến khi vào đến quán, cũng loại rượu màu ấy, hỏi ra là rượu Minh Mạng???
Người kinh doanh rượu thuốc thường đánh vào tâm lý dân nhậu. Vì, hầu như đa số họ thường có tật chỉ..."khó tính, cảnh giác" trước khi rượu "chưa vào". Khi rượu đã vào dăm ba chai, khi đã ngà ngà, thì họ lại rất dễ tính, cho dù chủ quán có lỡ đem "nhầm" loại rượu thuốc 100 nghìn hay cao hơn nữa thành... 20, 30 nghìn họ cũng chẳng thèm quan tâm. Khi cùng bạn bè nâng ly rượu thuốc thì cứ nhìn vào các con rắn, con bìm bịp, cặp "cà dê" nằm trong các bình rượu thuốc bằng thủy tinh để mà... 100% cho "sung".
Bởi, các bình rượu thuốc ấy trong nhiều nhà hàng, quán nhậu, cũng vài ba con rắn đó, con bìm bịp kia... có khi cả năm trời mà chúng chẳng chịu ra khỏi bình để "trở về với cát bụi". Do vậy, mà có không ít bình đã đến lượt "Tửu châm... bách tuần - 100 lần châm" và các loài động vật nọ chỉ còn là "cây", là "chất dẻo", dân nhậu cứ nhìn để tưởng tượng mà uống cho tráng dương, bổ... ngửa!
Ai quản lý rượu thuốc?
Thực tế đã có nhiều trường hợp ngộ độc do uống phải rượu thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhẹ thì nằm nhà vài ngày, nặng thì vào viện cấp cứu. Cũng đã có những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì nhiều lý do mà chính nạn nhân cũng không muốn kể tường tận.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh được biết: Tình hình buôn bán rượu nói chung, rượu thuốc nói riêng hiện nay rất phức tạp. Theo quy định, mặt hàng rượu do Sở Công thương quản lý nhưng nếu là rượu thuốc có đăng ký về nguồn gốc, xuất xứ, tác dụng cụ thể như một mặt hàng hỗ trợ sức khỏe hoặc thực phẩm chức năng thì lại nằm dưới sự giám sát của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Theo Nghị định số185 ngày 15/11/2013 của Chính phủ nếu rượu mang tiêu thụ mà không có nhãn mác, thành phần, xuất xứ thì bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, nghiêm trọng hơn có thể phạt đến 25 triệu đồng.
Thế nhưng, có lẽ do... mức phạt quá cao như vậy, nên các cơ quan chức năng cũng không... nỡ kiểm tra rượu thuốc tại các hàng quán nhậu "bình dân". Cuối cùng thì rượu thuốc vẫn cứ "vàng thau lẫn lộn" được bày bán tràn lan, trong khi, việc quản lý mặt hàng rượu thuốc trên địa bàn hiện đang có đến... hai ngành. Trong đó, "rượu" thuộc ngành công thương quản lý, còn "thuốc" thì thuộc ngành y tế!... Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể, kịp thời, tránh chồng chéo để mặt hàng nhạy cảm này được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đức Quỳnh