Ruộng IPM áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp nên cây lúa khỏe, ruộng lúa thông thoáng, mật độ các loại sâu bệnh hại thấp hơn ruộng thông thường từ 1,3-46,8 lần; không bị bệnh bạc lá gây hại, giảm được 1 lần phun thuốc BVTV/vụ; giảm được lượng giống, phân bón sử dụng nên chi phí giảm trên 2 triệu đồng/ha, năng suất dự kiến cao hơn gần 1,4 tấn/ha.
Ngày 5/10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp &PTNT đã tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình "Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)/Giảm rủi ro do thuốc trừ sâu (PRR), tiết kiệm và phát triển" trên cây lúa vụ mùa năm 2017 tại HTX Liên Phương, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô.
Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam; lãnh đạo Trung tâm BVTV phía Bắc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Mô, Giám đốc Ban quản lý các HTX nông nghiệp trên địa bàn cùng đông đảo bà con nông dân.
Lớp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa tại HTX Liên Phương được triển khai trong vụ mùa năm 2017 với 30 học viên tham gia. Mục tiêu của lớp học nhằm giúp nâng cao kiến thức của người nông dân trong việc nhận biết, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời, theo 4 nguyên tắc cơ bản gồm trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên và nông dân trở thành chuyên gia. Trong quá trình tập huấn, học viên đã trực tiếp thực hiện mô hình trên diện tích lúa mùa của gia đình.
Kết quả, ruộng IPM áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp nên cây lúa khỏe, ruộng lúa thông thoáng, mật độ các loại sâu bệnh hại thấp hơn ruộng thông thường từ 1,3-46,8 lần, đặc biệt là không bị bệnh bạc lá gây hại, giảm được 1 lần phun thuốc BVTV/vụ. Ngoài ra còn giảm được lượng giống, phân bón sử dụng nên chi phí giảm trên 2 triệu đồng/ha. Trong khi đó, năng suất ruộng IPM dự kiến sẽ cao hơn gần 1,4 tấn/ha. Vì vậy, hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng thông thường 13,4 triệu đồng/ha.
Hà Phương-Đức Lam