Sau những trận mưa rào, bầu trời được gột rửa cao, xanh biếc. Ngoài vườn, từng chùm hồng chín đỏ, mùi ổi găng nồng nàn trong gió sớm, ấy là lúc sắc thu rõ rệt nhất. Đây cũng là thời điểm không khí ngày Tết Trung thu tràn về khắp nẻo trong niềm háo hức, đợi chờ của các em thơ. Những đứa trẻ ấy mong chờ để được ngắm ánh trăng tròn mát rượi, được phá cỗ và nghe những câu chuyện diệu kỳ.
Rộn ràng mùa trăng
Để đêm "Trông trăng" nhuốm màu cổ tích…
Trung thu năm nay, bà Đinh Thị Ninh, ở phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình quyết định đưa 2 cháu nội về quê nhà để tận hưởng khoảnh khắc ngắm ánh trăng vàng tròn đầy, đẹp đẽ và diệu kỳ trong đêm rằm tháng Tám. "Trung thu năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, vì vậy tôi đưa bọn trẻ về quê để tận hưởng không khí rộn ràng của ngày Tết Trung thu ở tận nơi bản xa của vùng núi Cúc Phương. Tôi muốn các cháu được tận hưởng khoảnh khắc trông trăng bằng những gì xưa cũ nhất, để mãi mãi sau này, các cháu vẫn nhớ về một mùa trăng như thế"- bà Ninh nói.
Sau bữa tối sớm, bà Ninh dẫn cháu ra nhà văn hóa thôn, cùng tham gia vào không khí tập luyện sôi nổi của các anh, chị thiếu niên trong xóm chuẩn bị biểu diễn trong ngày Tết Trung thu. Dưới ánh trăng sáng như dát bạc, giữa vi vu đại ngàn, tiếng trống ếch, tiếng hiệu lệnh của các anh chị phụ trách, tiếng cười nói giòn giã của các em thiếu nhi khi được tham gia vào những trò chơi dân gian thú vị… đã thực sự khiến miền quê này thêm náo nhiệt.
Bà Ninh bồi hồi: Trăng thì vẫn vậy, lúc nào cũng trong trẻo và diệu kỳ. Nhưng mỗi thời, thì trẻ cảm nhận và đón chờ Tết Trung thu có khác nhau. Thời chúng tôi còn nhỏ, gia đình và cả làng xóm đều nghèo lắm. Tết Trung thu chỉ là quả ổi găng, là quả thị vàng óng thơm lừng, là trái bưởi chua ngọt được tỉa thành những cánh hoa xinh…
Đêm Trung thu, chúng tôi nằm gối đầu lên tay bà, lắng nghe tiếng muỗi vo ve, tiếng quạt nan đều đều và tiếng bà rủ rỉ kể chuyện sự tích chú cuội, chị Hằng… rồi chìm vào giấc ngủ với những giấc mơ đẹp đẽ. Đến thời các con của tôi, dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng tùy hoàn cảnh, mỗi gia đình đều tham gia đóng góp, chung tay với địa phương chăm lo cho các cháu thiếu nhi một Tết Trung thu đầy đủ nhất. Có gia đình thì góp tiền, góp gạo, có hộ thì góp bánh, trái cây, mỗi đứa trẻ được chia một góc bánh nướng, bánh dẻo… Mộc mạc thế thôi, song ai cũng cảm nhận được sự yêu thương của cộng đồng dành cho con trẻ. Bởi thế, mà dẫu hiện nay cuộc sống đủ đầy, có nhiều món ăn ngon, đồ chơi đẹp… song tôi vẫn muốn các cháu mình có cơ hội trải nghiệm một Tết Trung thu thật truyền thống, thật đẹp đẽ và đáng nhớ nhất.
Được biết, ở Cúc Phương, đồng bào dân tộc Mường chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, chính quyền xã luôn cố gắng khơi dậy, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường qua những dịp lễ, Tết, nhất là bồi đắp cho con trẻ lòng tự hào, ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương qua mỗi mùa Tết Trung thu. Năm nay, ngoài những bài hát đặc trưng của văn hóa dân tộc Mường, Đoàn thanh niên xã còn đưa các tiết mục như múa, kịch cũng dựa theo những chuyện kể, những tích của đồng bào Mường.
Đặc biệt, các trò chơi cho trẻ em được lồng ghép vào những trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co… Đoàn thanh niên xã cũng khuyến khích các chi đoàn trực tiếp tổ chức cho trẻ em tận tay làm các đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, cắt giấy, làm hoa để trang trí các trại…
Đoàn viên thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ (Nho Quan) trang trí trại đón Tết Trung thu.
Dành nhiều sự chăm sóc, thương yêu
Tết Trung thu cũng mang nhiều ý nghĩa đoàn viên giống với Tết Nguyên đán. Bởi đây là dịp để cả gia đình đoàn tụ, quây quần chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Cả gia đình sẽ dành nhiều thời gian cho con trẻ, tặng cho chúng những chiếc đèn ông sao và mâm cỗ với đủ đầy loại hoa trái của mùa thu. Tuy vậy, đây đó vẫn còn những trẻ em thuộc gia đình khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật… vì hoàn cảnh mà thiếu đi sự chăm sóc của gia đình. Vì vậy, Tết Trung thu còn là dịp để cộng đồng cùng chung tay, chia sẻ tình yêu thương đến với những em nhỏ ấy, để các em được hưởng trọn vẹn một tết Trung thu ấm áp, đủ đầy.
Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội là nơi đang nuôi dưỡng hàng chục trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tết Trung thu bao giờ cũng là thời điểm nhộn nhịp, được các em mong chờ nhất khi được Trung tâm phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức và nhà hảo tâm tặng quà và tổ chức những trò chơi hấp dẫn.
Lan Anh là một bé gái đã được chăm sóc tại Trung tâm vài năm nay. Thời gian này, Lan Anh cùng các anh chị, các bạn ở Trung tâm đang tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn vào đêm Trung thu. Lan Anh bảo rằng, năm nào cũng vậy, vào Tết Trung thu chúng cháu được trông trăng, phá cỗ, được mặc những bộ quần áo đẹp để biểu diễn các tiết mục văn nghệ... nên rất vui.
Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng gần 20 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Năm nào cũng vậy, Trung thu dường như đến sớm hơn với các cháu, bởi ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, đã có các tổ chức, cá nhân đến trung tâm để tặng quà và lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc cho các em. Là đơn vị có nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đang tất bật kết nối với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chuẩn bị các phần quà để mang tới cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một đêm hội trăng rằm ý nghĩa, đầy đủ.
Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối với Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam tổ chức chương trình tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Gia Lạc (huyện Gia Viễn). Không chỉ là những phần quà trong dịp lễ, Tết, nhiều cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm đã sát cánh, động viên và tiếp bước cho trẻ đến trường bằng các việc làm thiết thực như: tặng xe đạp, học bổng, sách vở…
Trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 3 nghìn trẻ em hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo...
Vào dịp Tết Trung thu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, thông qua các hoạt động như văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, vui hội trăng rằm… phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi.
Đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm. Những món quà được trao tận tay, những chương trình văn nghệ mà các em được làm diễn viên chính… đã góp phần mang đến cho các em một Trung thu đầm ấm, đủ đầy và hạnh phúc.