Từ nửa tháng nay, tại Nhà văn hóa làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), không khí chuẩn bị cho Tết Trung thu thật rộn ràng. Dưới ánh trăng sáng như dát bạc, tiếng trống ếch, tiếng hiệu lệnh của các anh chị phụ trách, tiếng cười nói giòn giã của các em thiếu nhi khi được tham gia vào những trò chơi dân gian thú vị… đã thực sự khiến miền quê này thêm náo nhiệt. Sự háo hức, rộn ràng ấy không chỉ ở riêng thiếu nhi mà ngay cả người lớn cũng tất bật, mong chờ.
Ông Đỗ Khắc Vĩnh, Bí thư chi bộ thôn Xuân Thành chia sẻ, nhìn các cháu thiếu nhi tập luyện các tiết mục chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm, thế hệ chúng tôi cũng nhớ da diết về mùa trăng của tuổi thơ nghèo khó của mình. Hiện nay, cuộc sống được nâng lên nhiều, mọi gia đình đều cố gắng chăm lo cho con em mình một ngày Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm nhất.
Buổi tối nào trẻ con ra Nhà văn hóa thôn tập luyện thì các bậc phụ huynh, thậm chí cả các cụ cao niên trong làng cũng ra xem và cổ vũ cho các cháu. Các gia đình còn tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức cho các cháu một Đêm hội trăng rằm ý nghĩa nhất.
Đồng chí Mai Thị Nhung, Bí thư Đoàn xã Ninh Vân chia sẻ, Tết Trung thu là dịp để các cấp, các ngành, mỗi gia đình thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm lo cho trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc huy động sự chung tay đóng góp của mỗi gia đình thì Đoàn xã cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong dịp này.
Những hoạt động mà chúng tôi đưa vào đều mang đậm màu sắc truyền thống của dân tộc, của quê hương Ninh Vân như: trò chơi xếp chữ, múa lân, múa kiếm…, những trò chơi này đều thu hút được sự tham gia nhiệt tình, thích thú của trẻ em. Hiện nay, chúng tôi đã huy động được gần 20 triệu đồng để tổ chức các hoạt động vui chơi và tặng quà cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có thành tích cao trong học tập.
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, những ngày này Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh cũng tưng bừng không khí của ngày Tết Trung thu. Sau giờ học, các em lớn miệt mài cùng với các cán bộ, các "mẹ" trong Trung tâm làm đồ chơi trung thu, luyện tập các tiết mục văn nghệ. Còn các em nhỏ thì háo hức, thích thú với những món đồ chơi hấp dẫn do các tổ chức, cá nhân trao tặng.
Ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng 35 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không để các em thiếu vắng tình cảm gia đình, nhất là vào những dịp lễ, tết, nên các cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn cố gắng chăm lo chu đáo cho trẻ.
Năm nào cũng vậy, Tết Trung thu đến với trẻ em trong Trung tâm từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng tám âm lịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến Trung tâm để tặng quà. Theo đó, không chỉ đón tiếp, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội còn chủ động lên kế hoạch và bắt tay vào thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm. Lực lượng đoàn viên, thanh niên được giao nhiệm vụ "thiết kế" các chương trình văn hóa, văn nghệ, các trò chơi cho các em.
Trong Đêm hội trăng rằm, các em sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc của Tết Trung thu thông qua hoạt cảnh của chú Cuội, chị Hằng. Các em cũng chính là diễn viên, ca sĩ biểu diễn các tiết mục văn nghệ, các vở diễn ngắn… để biểu diễn trong Đêm hội trăng rằm. Vì vậy, những ngày tập luyện, các em được giao nhiệm vụ đều rất hăng say, nghiêm túc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 238.235 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 24,8% dân số; 3.522 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó 315 trẻ em mồ côi cả cha mẹ, 49 trẻ em bị bỏ rơi; 2.692 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 98 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 99 trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo... Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được tỉnh ta đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, vào dịp Tết Trung thu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi an toàn, tiết kiệm, lành mạnh thông qua các hoạt động như văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, vui hội trăng rằm… phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi.
Mỗi địa phương có phong tục, tập quán, có cách làm riêng, song điểm chung là đều truyền tải được các nội dung quan trọng như: tuyên truyền ý nghĩa của Tết Trung thu, kể những câu chuyện về tình yêu bao la của Bác Hồ dành cho thiếu nhi; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt đã có hoạt động giúp đỡ, ủng hộ trẻ em. Tết Trung thu là dịp để toàn xã hội cùng chung tay chia sẻ về vật chất, tinh thần, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tin rằng, với sự quan tâm chăm lo và tình yêu thương của xã hội, trẻ em trên mọi miền đều được hưởng trọn vẹn một Tết Trung thu đầm ấm, đủ đầy.
Nguyễn Hùng