Sáng 10-1, trong cái lạnh 10 độ C kèm theo những hạt mưa phùn khiến khu chợ Nhà máy điện (thành phố Ninh Bình) vốn ngày thường đông đúc, sầm uất là vậy mà nay trở nên vắng vẻ, hiu hắt. Chị Hà giật mình khi 1 cây bắp cải giá 13 nghìn đồng, trong khi cách đây mấy ngày chị mua chưa đến 10 nghìn đồng. Chị Tâm bán hàng co ro xếp lại các cây cải bắp cho biết: Rau xanh tăng lên từng ngày, sáng nay tôi dậy sớm từ 5 giờ sáng mới "tranh" được vài chục cây, giá đã 11 nghìn đồng rồi. Nguồn rau hiếm vì trời quá lạnh, rau không thể lên được, đặc biệt là các loại rau cải ngọt, muống, cải cúc…, tất cả đều tăng gấp rưỡi, có loại tăng gấp hai lần mà không có hàng để lấy…".
Khảo sát tại một số quầy hàng bán rau, được biết, cả tuần nay giá rau xanh tăng mạnh khiến người nội trợ không có nhu cầu mua nhiều như trước. Bà Thu bán hàng rau nhiều năm nay cho biết: Do thời tiết rét kéo dài nên rau xanh tăng mạnh, thậm chí còn tăng nhiều và nhanh hơn các dịp lễ, Tết. Cải bắp là mặt hàng tăng giá nhiều nhất, hiện đang có giá 13.000-15.000 đồng/cây, tăng so với 4-5 ngày trước 5.000 đồng/cây; rau cải thìa cũng tăng lên 4.000 đồng/mớ (tăng 1.000 đồng); rau cải cúc từ mức 3.000 đồng/mớ lên mức 4.000 đồng/mớ; giá rau cần cũng từ mức 8.000 đồng/mớ nay tăng lên 10.000 đồng/mớ; su hào đang đứng ở mức 7.000 đồng/củi (tăng 2.000 đồng), có khi trưa muộn hết hàng, nhiều người còn bán với giá 9.000 đồng/củ…
Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ vườn rau thôn Phú Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi liên tục trồng các loại rau xanh nối vụ nhưng hơn 1 tuần nay rét quá nên rau không thể lên được. Cứ tiếp tục tình trạng rét đậm, rét hại như thế này, người trồng rau không thể gieo được đợt mới, có thể còn phải bỏ đất không, nếu mua nilon che chắn hoặc dùng các biện pháp chống rét khác thì chắc chẳng ai dám đầu tư vì rất bấp bệnh…
Tại một cánh đồng rau ở xã Khánh Hải (Yên Khánh), chị Ngô Thị Bầu, nông dân trồng rau lo lắng: "Trời liên tục rét đậm, rét hại khiến rau lên rất chậm, lại còn táp lá, thối rễ, chi phí phân bón và công chăm sóc đều tăng nên chúng tôi phải tăng giá bán. Hiện giá bán tại ruộng nhà chị Bầu, cải bắp có giá từ 6.000-7.000 đồng/cây, su hào 4.000 đồng/củ, cải cúc 1.500 đồng/mớ, súp lơ xanh 7.000 đồng/cây… Thực ra, giá bán rau tại ruộng chỉ tăng lên 1.000-2.000 đồng so với ngày thường, chủ yếu là do người bán tự đẩy giá lên, có khi tăng lên mức gấp đôi so với giá bán tại ruộng.
Không chỉ rau xanh tăng giá, trong đợt rét này, các loại thịt cũng được người bán hàng điều chỉnh tăng so với tuần trước. Tại chợ Nhà máy điện Ninh Bình, giá mỗi cân thịt lợn tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg. Giá gà thịt chưa bao giờ tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng nửa tháng, giá gà đã tăng 20-30% tùy từng loại. Gà ta chân chì làm sẵn được bán với giá 145-150 nghìn 5/kg; gà công nghiệp có giá 70-75 nghìn đồng/kg… Theo những người bán hàng, nguyên nhân giá gà tăng cao do khan hiếm nguồn cung bởi trong nước cấm nhập gà từ Trung Quốc. Chị Huyền bán gà thịt làm sẵn chia sẻ: "Bây giờ chúng tôi phải thu gom gà từ nhiều mối, tình hình khan hiếm thế này thì từ giờ đến Tết Nguyên đán, giá gà còn tăng cao nữa".
Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như: Cua, cá, ngao, mực… đều có mức tăng từ 10-20% so với tuần trước, thậm chí nhiều loại khan hiếm do thời tiết quá lạnh, người dân không đánh bắt được như cua, cá, tôm đồng, lươn, ốc… Lý giải cho sự tăng giá ồ ạt ở hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm này, những người bán hàng tại chợ cho biết, gần Tết hàng hóa bao giờ cũng tăng hơn so với trong năm do lượng mua sắm cuối năm tăng mạnh, cộng thêm rét kéo dài khiến nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống khan hiếm.
Theo ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng từ 3-5 nghìn ha rau, do đó, chắc chắn không lo thiếu rau trong những ngày sắp tới. "Giá rét kèm mưa phùn chỉ làm rau tăng trưởng chậm lại mà không gây chết như mưa to. Với trời mưa phùn, độ ẩm cao như vậy, chỉ cần có nắng ấm nhẹ lên là các loại rau lại phát triển mạnh trở lại, lúc đó giá rau lại trở về mức giá bình thường". Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, miền Bắc sẽ còn có thêm vài đợt rét đậm, rét hại như hiện tại. Trong khi đó, cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ mặt hàng rau xanh tăng rõ rệt. Giá rau xanh tại ruộng không tăng nhiều nhưng ngu cơ bị các tiểu thương tăng giá vô tội vạ với lý do thời tiết là không thể quản lý nổi. Vì vậy, rất có thể người tiêu dùng vẫn phải kêu trời vì giá rau xanh tăng đột biến và ngậm ngùi với cảnh "ăn rau đắt hơn ăn thịt"…
Bài, ảnh: Huy Hoàng