Là một huyện miền núi, Nho Quan có biên độ nhiệt giao động lớn giữa các mùa. Mùa đông ở Nho Quan thường xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi.
Theo ước tính hiện nay Nho Quan có tổng đàn gia súc 135 nghìn con, trong đó lợn là 90 nghìn con; hươu, dê là 5 nghìn con; trâu bò 20 nghìn con. Để giảm thiểu thiệt hại cho số lượng gia súc này do rét đậm rét hại ngay từ cuối tháng 9, Phòng NN&PTNT huyện Nho Quan đã chủ động lập kế hoạch phòng chống đói, rét cho gia súc và gửi công văn đến tất cả các xã trong huyện. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng với các xã tiến hành rà soát, thống kê các hình thức chuồng trại của người chăn nuôi kết hợp kiểm tra cả lượng thức ăn dự trữ. Trường hợp gia đình nào khó khăn chưa xây được chuồng trại kiên cố thì hướng dẫn bà con mua bạt che chắn cẩn thận. Bên cạnh đó tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ba cấp, khuyến cáo người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô từ trước mùa rét, phổ biến các phương pháp chế biến thức ăn cho vụ đông, tiêm thuốc phòng bệnh cho đàn gia súc.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó phòng NN&PTNT huyện Nho Quan cho biết: Những ngày rét đậm đầu năm 2013 chúng tôi đã tổ chức các đoàn kiểm tra đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho đàn gia súc cũng như mạ xuân. Có thể khẳng định công tác tuyên truyền thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Đa phần các gia đình đều đã chủ động quây kín chuồng trại bằng bạt, nền chuồng được lót rơm rạ. Để dự trữ nguồn thức ăn cho trâu bò, nhiều người dân đã thu gom rơm rạ sau khi gặt làm thức ăn và thực hiện pha thêm muối vào nước uống để tăng sức đề kháng cho gia súc. Ngoài ra, đối với 390 ha mạ đã gieo, bà con nông dân cũng đã chủ động che phủ nilon, đồng thời bón bổ sung phân lân pha loãng để tăng cường khả năng chống rét.
Xã Văn Phong là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ tiểu mãn nên bà con ở đây có tập quán gieo cấy sớm. Trên cánh đồng thôn 5 chúng tôi gặp nhiều nông dân đang khẩn trương chăm sóc và chống rét cho diện tích mạ đã gieo cấy... Chị Bùi Thị Hoa, thôn 5, Văn Phong cho biết: Ngay từ đầu vụ gia đình tôi đã chủ động đưa nước về ruộng mạ, thực hiện đúng quy trình, lịch gieo mạ của HTX đồng thời bón tro bếp, tưới phân lân cho mạ nên đến nay cơ bản diện tích mạ của gia đình vẫn phát triển bình thường.
Đến ngày 9/1, xã Văn Phong đã gieo được 5 ha mạ. Dù mạ đa được che phủ nilon 100% diện tích nhưng xã vẫn tập trung hướng dẫn, khuyến cáo bà con điều tiết nước hợp lý, phủ tro bếp và hòa nước phan lân tưới giữ ẩm cho cây mạ, đồng thời thường xuyên kiểm tra để khắc phục những sự cố như nilon thủng, rách, đảm bảo giữ cho mạ đủ ấm.
Tại thị xã Tam Điệp, công tác chống rét cây trồng và đàn gia súc cũng được nông dân và chính quyền địa phương chú trọng. Vừa loay hoay nhóm thêm đống lửa cạnh chuồng nhốt bò ông Nguyễn Văn Quý, thôn Lang Ca, xã Yên Sơn nói: Mấy hôm nay lo cho mấy con bò còn hơn lo cho mình. Ngay khi nghe thông báo đợt rét đậm kéo dài tôi đã sửa chuồng bò, bảo bà vợ khâu bao tải làm áo chống rét cho chúng. Hàng ngày đi cắt cỏ, lấy thân ngô về cho chúng ăn chứ không lùa ra đồng nữa.
Trao đổi với chúng tôi ngày 11/1, bà Dương Thị Bồng, Phó phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT cho biết: Tính đến thời điểm này chưa có báo cáo của các địa phương về tình hình gia súc, gia cầm chết rét. Theo bà Bồng, năm nay do có chỉ đạo sớm, quyết liệt của Sở NN&PTNT; sự chủ động, tích cực của địa phương và bà con nông dân nên đã hạn chế được tình trạng gia súc, gia cầm chết đói, chết rét.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở NN&PTNT thì hiện nay toàn tỉnh đã gieo được 771,4 ha mạ và cấy được trên 32 ha lúa đông xuân. Tuy nhiên toàn bộ diện tích mạ đều được đảm bảo an toàn.
Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Bùi Hữu Ngọc khuyến cáo: Theo dự báo của ngành khí tượng, rét đậm, rét hại còn có thể tăng cường vào cuối tháng 1. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng chống rét cho cây trồng và đàn gia súc ngay từ sớm, đặc biệt là nâng cao ý thức cho các hộ chăn nuôi sẽ là những biện pháp quan trọng để góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa rét năm nay.
Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị gieo mạ trà xuân muộn, đây là trà chủ lực trong vụ xuân. Do đó khi gieo cần phải chọn nơi tráng nắng, khuất gió, tưới tiêu chủ động, tiện cho chăm sóc, bảo vệ và phải đảm bảo 100% diện tích mạ được che phủ nilon đúng cách. Ngoài ra để đảo bảo cho mạ sinh trưởng tốt cần lưu ý các điểm sau: Nên lấy bùn ruộng, bùn ao trước khi gieo 2-3 ngày để giải phóng khí độc trong bùn; gieo vào lúc giữa trưa, trời hửng nắng; sử dụng nilon trong, không quá dày, quá mỏng; bón tro bếp mục lên mặt luống để giữ ấm.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu