Về vùng chuyên canh rau màu ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, không khí lao động hết sức rộn ràng, bà con ra đồng rất đông. Nguyên nhân không chỉ do thời điểm này là chính vụ gieo trồng mà còn do rau xanh đang rất được giá. Lãi lớn, phấn khởi, bà con đầu tư, chăm chút nhiều hơn cho cây trồng.
Trồng 5 sào rau màu, trong đó có 3 sào phục vụ đúng dịp sau Tết, gia đình bà Nguyễn Thị Thu, thôn Vân Thượng, xã Yên Thắng có nguồn thu nhập không nhỏ nhờ trồng rau. "Dịp này, các loại rau bán rất chạy mà giá lại gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Bắp cải 15 nghìn đồng/cái, su hào 5 nghìn đồng/củ, rau muống, rau mùng tơi, cải ngồng, cải cúc bình quân 3 nghìn đồng/1 bó. Tính ra mỗi sào trồng rau, gia đình tôi thu lãi từ 10-15 triệu đồng. Đây có lẽ là khoản thu nhập lớn nhất mà tôi có được từ trồng rau", bà Thu phấn khởi chia sẻ.
Đang chăm sóc cho luống mồng tơi sắp đến kỳ thu hoạch, chị Bùi Thị Ngoãn, xóm 1, xã Yên Thắng, cho biết: Khu đất này, như mọi năm, sau khi thu hoạch rau vụ đông, phần lớn bà con gieo ngô, lạc nhưng năm nay rau đắt nên chúng tôi tiếp tục trồng thêm lứa rau nữa.
Theo nhiều nông dân trồng rau màu, dù giá một số loại rau ở mức rất cao nhưng hiện việc sản xuất rau gặp nhiều khó khăn do thời tiết năm nay khá khắc nghiệt. Mưa đá ngày mùng 1 Tết, mưa phùn, rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày sau đó khiến cây rau phát triển chậm.
Mặc dù bà con đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chăm bón hết sức tỷ mỉ, thậm chí làm vòm, phủ ni-lông nhưng rau vẫn bị hư hỏng nhiều, năng suất thấp. Còn theo ngành Nông nghiệp, sau Tết nhu cầu của người dân về rau xanh rất cao nhưng nguồn cung lại hạn chế. Một phần là trận do mưa đá dịp Tết vừa qua khiến rau màu hỏng hết, một phần do rét đậm, rét hại rau không đạt được năng suất như dự tính, nhiều diện tích trồng rau vụ đông bà con đã thu hoạch sớm để chuyển sang cấy lúa và trồng các loại cây màu khác, dẫn đến nguồn cung thấp hơn cầu nên giá cả tăng cao. Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo:
Thời điểm này song song với việc cấy lúa cần tập trung trồng và chăm sóc rau vụ xuân để đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Bà con lưu ý, các loại rau màu thường rất mẫn cảm với nhiệt độ và ẩm độ không khí. Khi mưa nhiều, độ ẩm cao thì sâu bệnh dễ phát sinh, phát triển và gây hại làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, sản xuất rau thời điểm này cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau để đạt được hiệu quả tốt: Chọn nơi đất cao, lên luống cao, bố trí hệ thống mương, rạch đầy đủ để thoát nước. Không nên làm đất quá nhuyễn vì nước mưa nhiều dễ làm cho đất bị lèn gây ra thiếu ôxy, cây sẽ bị nghẹt rễ dẫn đến kém sinh trưởng. Có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết trong giai đoạn mưa dầm và tạo môi trường thích hợp cho cây sinh trưởng khỏe, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất.
Vào mùa xuân, mưa nhiều, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém, vì thế nông dân nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch. Đất trong mùa mưa cần bón thêm vôi bột với liều lượng 50 kg vôi cho 1 sào nhằm giúp giảm phèn, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất và cung cấp thêm lượng can xi cho cây trồng, giúp phòng một số bệnh thường gặp trên rau màu như: thối rễ, nứt quả…
Đặc biệt, chú ý đến việc bón tăng hay giảm lượng phân đạm cần thiết tùy theo nhiệt độ, ẩm độ và sự phát triển của cây theo từng giai đoạn. Nông dân cũng cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời các đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng, trừ tập trung, đúng lúc và phải đặc biệt chú ý thời gian cách ly đúng theo quy định để tránh ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để sản xuất trong điều kiện thời tiết khó khăn đạt năng suất cao sẽ cho hiệu quả cao hơn, bán được giá hơn.
Hà Phương